Những chuyển biến tích cực của thị trường xuất khẩu thủy sản đã giúp các doanh nghiệp trong ngành tăng doanh thu và lợi nhuận, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả như vậy, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã sớm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận kinh doanh cả năm 2018.
Vượt kế hoạch cả về doanh thu và lợi nhuận
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta vừa công bố tình hình kinh doanh trong tháng 11/2018. Theo đó, sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta đạt 1.937 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017. Tương ứng, doanh thu tiêu thụ đạt 16,2 triệu USD, tăng 3% so với tháng 11/2017. Lũy kế 11 tháng, sản lượng chế biến và doanh thu tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta lần lượt đạt 20.781 tấn và 201,8 triệu USD, lần lượt vượt 7% và 6,2% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 đã đề ra. Còn về lợi nhuận trước thuế 11 tháng đầu năm 2018, Công ty ước tính đạt trên 180 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch cả năm.
Còn đối với Công ty CP Nam Việt (Navico), mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, doanh thu cả năm 2018 của Navico ước đạt 4.000 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch và tăng hơn 35% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với kế hoạch, tăng hơn 4 lần so với năm trước. Ông Nguyễn Duy Nhứt cũng khẳng định, năm 2018 là năm ngành cá tra đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, ước khoảng 2,1 tỷ USD.
Trước đó, đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh thủy sản báo cáo tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ấn tượng, vượt xa kế hoạch cả năm 2018 chỉ trong 9 tháng đầu năm. Đơn cử như Công ty CP Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp này ghi nhận 1.036 tỷ đồng lợi nhuận ròng sau 9 tháng năm 2018, gấp 2,5 lần lợi nhuận đạt được cùng kỳ năm ngoái và vượt đến 67% chỉ tiêu lợi nhuận được giao.
Hay như Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 12.567 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 681 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và hơn 58% so với thực hiện 9 tháng năm 2017. So với kế hoạch 18.200 tỷ đồng doanh thu và 990 tỷ đồng lãi ròng, đến hết 9 tháng, Thủy sản Minh Phú đã thực hiện được 69% cả 2 chỉ tiêu.
Nhiều yếu tố tích cực cho năm 2019
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kết thúc năm 2018, thủy sản Việt Nam có thể hy vọng về những khởi đầu thuận lợi cho kế hoạch xuất khẩu năm 2019 tại các thị trường quan trọng. Thuận lợi trước hết là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2019. Hiện EU đang là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 18% giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta. Thị trường này có khả năng tăng trưởng tiêu thụ mạnh, đặc biệt là mặt hàng tôm khi được ưu đãi thuế quan nhờ EVFTA.
Việc Bộ Thương mại Mỹ công bố các mức thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra nhập khẩu từ Việt Nam giảm so với trước đó, cùng với việc Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá và sản phẩm cá họ Silurifomes (trong đó có cá tra, basa) sang Mỹ theo Chương trình thanh tra cá da trơn, cũng là những điểm thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2019.
Việt Nam đang tích cực giải quyết các vấn đề để gỡ thẻ vàng IUU. Tháng 10 vừa qua, Ủy ban Nghề cá thuộc Nghị viện Châu Âu, sau khi đi thực tế một số địa phương ở Việt Nam, đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Điều này sẽ giúp xuất khẩu hải sản hồi phục nhanh trong năm 2019.
Bên cạnh đó, một số thị trường như Hàn Quốc, ASEAN... cũng “phát” tín hiệu tích cực, dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2019 với sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại.
Từ những yếu tố trên, có cơ sở để dự báo năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ “cán đích” 10 tỷ USD cùng với mục tiêu nâng cao tính bền vững và chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị.
(Theo báo Đấu Thầu)