Doanh nghiệp của 'nữ hoàng cá tra' hưởng lợi từ Mỹ, bứt phá tại Trung Quốc

Doanh nghiệp của "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh đạt doanh thu đột biến trong tháng 1/2024. Đáng chú ý, xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường Mỹ, châu Âu, đặc biệt bứt phá tại Trung Quốc.

CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) của "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh vừa ghi dấu ấn đầu năm khi công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2024 với doanh thu đạt 921 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng chủ lực cá tra đạt 448 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Doanh thu từ sản phẩm phụ đạt 175 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ. 

Ngoài ra, VHC ghi nhận doanh thu từ sản phẩm C&G (Collagen và Gelatin) đem về 74 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ. Sản phẩm từ gạo (16 tỷ đồng), bánh phồng (40 tỷ đồng) và sản phẩm khác (160 tỷ đồng) lần lượt tăng 149%, 78% và 142%.

Theo VHC, trong tháng 1/2024, xuất khẩu cá tra tại các thị trường chính phục hồi tốt, đặc biệt tăng mạnh tại Trung Quốc. Doanh thu tại thị trường Trung Quốc (117 tỷ đồng), Mỹ (185 tỷ đồng) và châu Âu (154 tỷ đồng) lần lượt tăng 259%, 59%, và 33% so với cùng kỳ. Doanh thu tại thị trường nội địa đạt 325 tỷ đồng, cũng tăng tới 137%.

Năm 2023, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm khiến kết quả kinh doanh VHC kém khả quan so với năm trước. Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt hơn 10.000 tỷ đồng và lãi ròng hơn 896 tỷ đồng, lần lượt giảm 24% và 54,6% so với năm 2022.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục và tăng mạnh vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5-10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, thị trường xuất khẩu của VHC sẽ có nhiều thuận lợi trong năm 2024. Ở thị trường Mỹ, công ty được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%, giá cá tra cải thiện hơn nhờ nhu cầu hồi phục; biên lãi gộp cũng được cải thiện nhờ chi phí nguyên liệu đầu vào cho thức ăn nuôi cá giảm.

Kết phiên giao dịch ngày 23/2, cổ phiếu VHC đạt 64.600 đồng/cp.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* NT1: CTCP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings chi gần 100 tỷ đồng để góp vốn thành lập công ty con là CTCP Tư vấn và Quản lý Khách sạn Sojo. Thời hạn góp vốn dự kiến trong quý I - II/2024.

* TNG: CTCP Đầu tư và Thương mại TNG báo cáo doanh thu tháng 1/2024 đạt 524 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 15 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước.

* KDH: Ngày 22/2, HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền thông qua cam kết bảo lãnh khoản vay 4.270 tỷ đồng cho công ty con - Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc tại Vietinbank – Chi nhánh Hà Nội.

* ST8: Từ 5/2-15/2, hai cá nhân bao gồm ông Chu Văn Kiên và ông Lìu Đăng Khoa lần lượt bán ra 444.700 và 655.900 cổ phiếu CTCP Đầu tư phát triển ST8, chính thức không còn là cổ đông lớn.

* VCG: Vietnam Enterprise Investments Limited (thành viên của Dragon Capital) đã bán ra 1 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam trong phiên 20/2, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức 2,82%, đồng thời tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital cũng giảm xuống 6,97%.

* MWG: Ông Robert Alan Willett, Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động đăng ký bán 1,2 triệu cổ phiếu, trong thời gian từ ngày 27/2-27/3.

* VRG: CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam sắp tạm ứng 52 tỷ đồng trong tổng số hơn 98 tỷ đồng trả cổ tức năm 2023, tương ứng tỷ lệ 38%, cao hơn con số 30% đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua trước đó.

* DSN: CTCP Công viên nước Đầm Sen sắp chi hơn 19 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại năm 2023 với tỷ lệ 16%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/3, ngày trả là 3/4.

* HAX: Tại ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức ngày 23/3, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 18%.

VN-Index

Kết phiên giao dịch cuối tuần trước, ngày 23/2, VN-Index giảm 15,31 điểm (-1,25%) xuống 1.212 điểm, HNX-Index giảm 2,93 điểm (-1,25%) xuống 231,08 điểm, UpCOM-Index giảm 0,41 điểm (-0,46%), xuống 90,16 điểm.

Theo Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, dòng tiền xoay vòng quanh các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là bluechips đẩy VN-Index tăng khá nhanh trong thời gian qua và khi đà hưng phấn kéo dài áp lực cũng sẽ gia tăng và nhịp điều chỉnh giảm là không tránh khỏi. Thêm vào đó, VN-Index đã tiệm cận vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.230-1.250 điểm cũng tạo áp lực cho thị trường chung.

Bên cạnh đó, thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ áp lực điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng vào cuối phiên. Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng nhóm cổ phiếu này không có thông tin bất lợi mà đơn thuần chỉ là áp lực chốt lời thông thường sau chuỗi tăng khá tốt.

Đầu tư tài chính LCTV nhận định, kể từ khi tạo đáy vào tháng 11/2023, VN-Index liên tục đi lên chinh phục những điểm cao mới mà chưa có phiên điều chỉnh nào đáng kể nào.

Do đó, việc thị trường điều chỉnh chủ yếu do tâm lý chốt lời trước ngưỡng cản mạnh 1.230. Thị trường trong dài hạn vẫn còn nhiều điểm sáng từ bệ đỡ vĩ mô ổn định, lãi suất huy động tiếp tục giảm, lợi suất trái phiếu thấp và Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.

Theo vietnamnet.vn

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục