(vasep.com.vn) Ngành cá ngừ Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh covid-19. Xu hướng tiêu thụ của người dân Nhật Bản cũng thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh và tác động từ việc tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ. Người dân hạn chế ăn uống bên ngoài và chuyển sang nấu ăn tại nhà.
Theo thông báo của Chính phủ Nhật Bản, từ ngày 01/10/2019, Chính phủ sẽ bắt đầu tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% đã ảnh hưởng tới tiêu thụ cá ngừ tại nước này. Theo đó, một bữa ăn tại một cửa hàng hay một nhà hàng sẽ phải chịu thuế 10%, nhưng bữa ăn đó nếu mua mang về sẽ chỉ chịu mức thuế 8%. Điều này đã khiến doanh số bán hàng của các quán ăn, nhà hàng Nhật Bản – nơi tiêu thụ nhiều nhất cá ngừ tươi sống và đông lạnh – giảm.
Trong khi đó, nhu cầu cá ngừ đóng hộp tại Nhật Bản vẫn ổn định trong năm 2019 do khối lượng NK tương đương so với năm 2018. Nhật Bản đã NK tổng cộng 65.091 tấn cá ngừ đóng hộp trong 12 tháng năm ngoái. Các nhà NK Nhật Bản đã trả trung bình 5.593 USD/tấn cá ngừ đóng hộp, mức giá này khá cao so với các thị trường khác, nhưng lại giảm 4% so với năm trước đó.
Các nhà sản xuất đồ hộp Thái Lan, những người đang thống trị tại thị trường Nhật Bản, đã có sự sụt giảm 9% so với năm 2018. Thị phần mà các nhà chế biến Thái Lan bị mất trong năm 2019 đã được 4 nhà cung cấp lớn khác chiếm là Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam là nước duy nhất đang tăng giá cá ngừ đóng hộp XK sang thị trường này trong năm 2019.
Sang đầu năm 2020, do nhu cầu tiêu thụ trong nước vào dịp đầu năm tăng nên NK cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Nhật Bản tăng nhẹ. Tuy nhiên, từ tháng 2 trở lại đây, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các nước Châu Á đã khiến chính phủ các nước, trong đó có Nhật Bản, áp dụng các biện pháp cách ly xã hội. Theo đó, các nhà hàng tại nước này không bắt buộc phải đóng cửa, nhưng Chính phủ nước này yêu cầu họ ngừng hoạt động trước 8 giờ tối và ngừng bán rượu trước 7 giờ tối như là một biện pháp hạn chế sự lây lan của virus corona. Điều này đã khiến cho lưu lượng khách tới các nhà hàng, nơi tiêu thụ cá ngừ tươi sống đông lạnh nhiều nhất tại Nhật Bản, chỉ bằng 1/10 so với thời điểm trước đó. Nhu cầu giảm đã khiến giá cá ngừ tươi sống và đông lạnh tại thị trường này cũng có xu hướng giảm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, nhập khẩu cá ngừ Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt gần 69 nghìn tấn, trị giá hơn 437 triệu USD, tăng 12% về khối lượng nhưng giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi nhập khẩu philê/thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Nhật Bản có xu hướng giảm, nhập khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp của nước này có xu hướng tăng. Điều này cho thấy vì lo ngại dịch bệnh nên người dân Nhật Bản cũng đang tăng cường tích trữ cá ngừ đóng hộp. Dự kiến, xu hướng này sẽ còn tiếp tục cho tới khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng từ cuối năm 2019. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này trong giai đoạn này tăng 38%, đạt gần 7,6 triệu USD. Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 12 cho thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam sang Nhật Bản có xu hướng tăng cao, trong khi XK các mặt hàng cá ngừ tươi, sống và đông lạnh giảm. Tỷ trọng XK các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp đã tăng từ 62% trong quý I/2019 lên gần 76% trong cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, XK các mặt hàng cá ngừ chế biến khác, đặc biệt các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16041490, tăng gần 114% so với cùng kỳ năm 2019.