Áp lực chốt lời “cổ phiếu ngược dòng”

(ĐTCK) Các cổ phiếu ngành phân bón, thuỷ sản, vận tải - logistics, nhóm đi ngược xu hướng thị trường thời gian qua bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phân phối đỉnh, áp lực chốt lời gia tăng.

Hưởng lợi từ việc giá bán sản phẩm, dịch vụ liên tục tăng cao, các nhóm cổ phiếu phân bón, thuỷ sản, vận tải - logistics đã có đà tăng ngoạn mục trong 5 tháng đầu năm, đi ngược xu hướng chung của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, giá các cổ phiếu này bắt đầu đổi chiều cùng với xu hướng hạ nhiệt của giá các sản phẩm/dịch vụ.

Theo chuyên gia của Bloomberg, giá cước tàu container thế giới của 8 tuyến vận tải biển chính trên toàn cầu (chỉ số Drewry World Container Index) đã giảm từ 23/9/2021 đến 9/6/2022. Cụ thể, chỉ số Drewry World Container Index giảm 27% từ 10.377 USD về 7.579 USD/container 40 ft và tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Chi phí nhiên liệu cao đang đẩy giá cước vận tải và các chi phí khác tăng lên, buộc các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp khác phải giảm đơn đặt hàng để kiểm soát chi phí. Thêm nữa, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện chiến lược “Zero Covid” và lạm phát cao trên thế giới cũng dẫn tới khối lượng hàng vận chuyển suy giảm và dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Với ngành thủy sản, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt  (mã ANV) cho biết, trong tháng 5/2022, giá cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã tăng khoảng 20%. Trong đó, áp lực giảm giá cá tra do một phần các đối thủ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trước khi Nam Việt tham chiến, cuộc chiến thị phần sẽ khốc liệt hơn khi Nam Việt bắt đầu xuất khẩu từ tháng 8/2022.

Được biết, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang được áp thuế chống bán phá giá 0% tại Mỹ gồm Vĩnh Hoàn (mã VHC), Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, Nam Việt, Công ty cổ phần Thuỷ sản NTSF.

Có thể thấy, ngoài ngành xuất khẩu cá tra vẫn duy trì ở mức giá kỷ lục, giá urea và cước vận tải biển đang có dấu hiệu đi xuống sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong những ngành nói trên. Trước đây, giới đầu tư mua cổ phiếu nhóm này, với kỳ vọng giá sản phẩm/dịch vụ tiếp tục duy trì mức cao giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các công ty nói trên.

Chú thích ảnh

Hình ảnh minh họa

Một số nhà đầu tư cũng đang đặt ra kịch bản thận trọng khi dấu hiệu hưởng lợi từ giá bán sản phẩm/dịch vụ của nhóm số doanh nghiệp phân bón, thuỷ sản, vận tải - logistics đang có dấu hiệu đảo chiều, điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp nêu trên có thể chạm đỉnh và bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm trở lại.

Quan sát diễn biến các cổ phiếu hưởng lợi đi ngược xu hướng bán tháo giai đoạn tháng 4 và đầu tháng 5/2022, có thể thấy bắt đầu có dấu hiệu phân phối đỉnh.

Nhóm cổ phiếu thuỷ sản (VHC, FMC, IDI) đang có dấu hiệu thanh khoản gia tăng đột biến so với 20 phiên trước đó. Trong đó, giá cổ phiếu không tăng và có dấu hiệu biến động mạnh, đóng cửa giá thấp trong những phiên gần đây.

Theo lý thuyết, cổ phiếu có dấu hiệu phân phối đỉnh khi giá không tăng nhưng thanh khoản có dấu hiệu tăng kỷ lục, cổ phiếu duy trì giao dịch giằng co với thanh khoản cao trong một thời gian dài, giá cổ phiếu có xu hướng biến động mạnh trong các phiên để tăng sức hút nhà đầu tư cá nhân nhưng cuối phiên lại đóng cửa giá thấp. Đây là giai đoạn thích hợp cho nhà đầu tư lớn có thể ra hàng với khối lượng lớn mà nhà đầu tư cá nhân không để ý sẽ khó nhận ra.

Cơ hội trên thị trường luôn luôn có rất nhiều nhóm cổ phiếu để lựa chọn. Tuy nhiên, nếu chọn sai nhóm cổ phiếu đang phân phối đỉnh, nhà đầu tư sẽ rất lâu mới có thể hoà vốn và quan trọng hơn nếu không may kẹp hàng, nhà đầu tư sẽ khó có thể tận dụng cơ hội khác trên thị trường.

Thùy Linh (Theo báo Đầu tư chứng khoán)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục