Xuất nhập khẩu nông thủy sản có thể bị ảnh hưởng trung và dài hạn vì nCoV

(vasep.com.vn) Bắt đầu từ tháng 1/2020, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra diễn biến phức tạp và lây lan nhanh không chỉ ở Trung Quốc mà còn nhiều nước trên thế giới. Điều này cũng đã và đang tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, XNK nông sản, trong đó có có thủy sản Việt Nam với các thị trường, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Ngay khi những thông tin này được công bố, nhiều cơ quan bộ ngành đã họp khẩn cấp để bàn cách ứng phó.

Theo Bộ NN&PTNT, từ ngày 22/01/2020, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán không cho tất cả phương tiện giao thông từ các địa phương đến Vũ Hán cũng như từ Vũ Hán đi các địa phương khác của Trung Quốc.

Kể từ ngày 27/01/2020, các công ty lữ hành Trung Quốc bị cấm tổ chức các tour đoàn khách Trung Quốc ra nước ngoài du lịch. Một số thành phố lớn như Bắc Kinh đã tạm dừng các chuyến xe bus liên tỉnh kể từ ngày 26/01/2020 để hạn chế công dân vào  thủ đô bằng đường bộ; đóng cửa một số địa điểm du lịch nổi tiếng cũng như hủy các hoạt động chào mừng Tết tại một số điểm công cộng trong thành phố. Cũng trong ngày 27/01, Chính phủ Trung Quốc quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết của nước này đến hết ngày 02/02/2020. Trên thực tế nhiều DN Trung Quốc cũng thông báo cho các nhân viên được nghỉ Tết hết ngày 8/02/2020 và dự kiến đi làm lại vào ngày 9/02/2020.

Ngày 6/02/2020, Văn phòng Chính phủ cũng ra Thông báo số 43/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp, trong đó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 156/CĐ-TTg ngày 02/02/2020.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để chống dịch như: cách ly cả một thành phố, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập đông người, ngừng xuất khẩu các vật tư quan trọng cho nhu cầu chống dịch, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (nặng nhất là vận tải hàng không, sau đó là vận tải đường bộ và đường sắt qua biên giới), du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics…

Do vậy, hoạt động XNK cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn (có thể từ 6 đến 8 tháng) do nhu cầu tiêu thụ giảm (chuỗi Starbucks Trung Quốc đóng cửa hàng ngàn cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cà phê; chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi-lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản…).

Chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến ngày 8/2/2020 khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây. Khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ.

Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động XNK là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện nay, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.

Ngày 5/2/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký văn bản số 709/BCT-XNK đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khuyến nghị các hội viên, doanh nghiệp logistics cùng chung tay góp sức, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân.

Chiều 6/2/2020, tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chủ trì, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Công Thương và đã thống nhất sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.

Ngày 3/2/2020, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức họp bàn về tình hình thương mại nông sản Việt - Trung trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp. Sau khi đánh giá nhận định tình hình, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra hai phương án. Phương án trước mắt là, sau dịp nghỉ Tết nguyên đán đến hết ngày 9/2/2020 nếu dịch không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng thì sẽ ảnh hưởng tới XNK nông sản của Việt Nam, trong đó Bộ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ triển khai một số các giải pháp. Phương án kéo dài, Bộ sẽ phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, DN, các đơn vị ngành công thương địa phương đẩy mạnh tổ chức XTTM, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, ưu tiên thị trường nội địa, khuyến khích các DN đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Đồng thời tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương nghiên cứu, điều chỉnh một số đối tượng giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng thị trường. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM