VASEP góp ý dự thảo văn bản về kiểm dịch thú y nguyên liệu thủy sản nhập khẩu

(vasep.com.vn) Ngày 19/9/2017, VASEP đã gửi Công văn số 145/2017/CV-VASEP tới Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) góp ý dự thảo hai văn bản về kiểm dịch thú y nguyên liệu thủy sản nhập khẩu.

Dự thảo tăng cường kiểm dịch nhập khẩu nguyên liệu sản phẩm thủy sản

VASEP đề nghị bỏ nội dung yêu cầu tại Mục 2 của dự thảo công văn: “đề nghị chủ hàng phải ghi rõ mục đích gia công để xuất khẩu đi thị trường nào vào phần “Mục đích sử dụng”(Điểm 10) trong Đơn khai báo kiểm dịch mẫu 03 TS Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT) do không phù hợp và không khả thi. Cụ thể như sau:

Yêu cầu DN phải khai báo thị trường xuất khẩu ngay khi mới nhập khẩu (NK) nguyên liệu về là bất cập vì DN không phải lúc nào cũng NK nguyên liệu khi có đơn hàng trước. Do tình trạng khan hiếm nguyên liệu nên nhiều DN phải NK sẵn nguyên liệu để sản xuất trước và trữ hàng lại rồi mới tìm khách hàng sau (nhập để sản xuất hàng xuất khẩu).

Cục Thú y xem xét chỉ nên kiểm soát hoạt động IUU đối với nguyên liệu NK để chế biến XK đi thị trường EU vì việc nhập khẩu về Việt Nam là đa dạng mục đích và đa dạng thị trường, trong đó nhiều thị trường không có quy định IUU làm lãng phí nguồn lực, thời gian của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các DN trong khi lại dẫn đến tình trạng gây hạn chế và khó khăn cho DN trong thu mua nguyên liệu – nguồn tài nguyên mà các nước đang cạnh tranh thu mua.

Để cơ quan Thú y có thể nắm được lô nào cần kiểm soát IUU, lô nào không cần kiểm sóat IUU thì khi DN NK nguyên liệu chỉ cần khai báo là lô này có chế biến để XK đi EU hay không chứ không cần thiết phải ghi rõ đi thị trường nào như dự thảo công văn yêu cầu.

Dự thảo công văn hướng dẫn kiểm dịch thủy sản NK từ nguồn đánh bắt

Tại đoạn 3 của Dự thảo “Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc kiểm dịch động vật thủy sản từ nguồn đánh bắt được nhập khẩu như sau:”

VASEP đề nghị nêu rõ:“Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc kiểm dịch động vật thủy sản từ nguồn đánh bắt được nhập khẩu để chế biến xuất khẩu đi thị trường EU như sau:”

Với lý do Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) xem xét chỉ nên kiểm soát hoạt động IUU đối với nguyên liệu NK để chế biến XK đi EU, vì việc nhập khẩu về Việt Nam là đa dạng mục đích và đa dạng thị trường, trong đó nhiều thị trường không có quy định IUU, làm lãng phí nguồn lực, thời gian của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các DN trong khi lại dẫn đến tình trạng gây hạn chế và khó khăn cho DN trong thu mua nguyên liệu – nguồn tài nguyên mà các nước đang cạnh tranh thu mua.

Về “Hồ sơ khai báo kiểm dịch”, VASEP đề nghị sửa thành:Bổ sung: bản sao Giấy chứng nhận của thuyền trưởng “captain’s statement”; hoặc bản gốc Giấy xác nhận của người bán trên đó ghi rõ tên tàu đánh bắt, số đăng ký của tàu, quốc gia treo cờ, phương pháp đánh bắt, thời gian đánh bắt, khu vực đánh bắt (trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mà chưa có bản gốc Giấy xác nhận của người bán thì gửi bản sao nhưng bản gốc phải được nộp trước khi kiểm tra hàng hóa).

Do Giấy chứng nhận của thuyền trưởng (captain’s statement) đều đã có form mẫu sẵn theo thông lệ quốc tế, trong đó có thêm nhiều thông tin ngoài thông tin về vùng đánh bắt. Khi thẩm tra thông tin, việc đối chiếu để tìm xem vùng đánh bắt đó có hợp pháp hay không là trách nhiệm của cơ quan Thú y chứ không phải là do thuyền trưởng xác nhận trên Giấy Chứng nhận của thuyền trưởng. Do đó cụm từ “về vùng đánh bắt hợp pháp” là không cần thiết và không phù hợp.

Theo thông lệ quốc tế, các bản sao Giấy chứng nhận của thuyền trưởng đều không cần thuyền trưởng phải ký xác nhận sao y.

Trong nhiều trường hợp, chứng từ gốc của lô hàng chưa thể về kịp ngay thời điểm nhập hàng (do một số lô hàng nhập bằng container có hành trình vận chuyển ngắn, do có chậm trễ hoặc phát sinh trong quá trình gửi chứng từ gốc,…) nên lô hàng chưa thể có ngay bản gốc Giấy xác nhận của người bán vào thời điểm nhập khẩu.

Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT đã có quy định cụ thể về việc khai báo mẫu 03TS rồi, không cần nhắc lại quy định này tại Dự thảo.

Về việc “Xử lý hồ sơ”, VASEP đề nghị bổ sung thêm một nội dung “Trong thời gian chờ kiểm tra thông tin về IUU, cơ quan kiểm dịch thú y vẫn tiến hành các thủ tục khác về kiểm dịch như quy định”. Nếu Cục Thú y không quy định rõ nội dung này thì có thể dẫn đến tình trạng các Cơ quan kiểm dịch thú y địa phương chờ nhận đủ thông tin về IUU của lô hàng và thẩm tra xong mới tiến hành các hoạt động kiểm dịch, khiến cho các DN phải chờ đợi, không chỉ gây ách tắc ở cảng, ảnh hưởng chất lượng hàng đông lạnh và đặc biệt làm phát sinh thêm chi phí cắm điện, neo container tại cảng cũng như các “hao tổn” về thời gian.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM