VASEP góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và QCKT

(vasep.com.vn) Ngày 25/3/2024, Hiệp hội VASEP đã gửi công văn số 37/CV-VASEP tới các Bộ: Khoa học Công nghệ, Tư pháp; Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư về góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Chú thích ảnh

Một số ý kiến góp ý chính của VASEP cho Dự thảo trên như sau:

DN có thể áp dụng các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài cho sản phẩm, dịch vụ của mình

Tại các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật…., các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng và áp dụng rộng rãi. Các sản phẩm, lĩnh vực được áp dụng các Tiêu chuẩn này đều đảm bảo nghiêm ngặt về chất lượng và được sự công nhận của nhiều quốc gia cũng như người tiêu dùng. Vì vậy, việc thừa nhận, công nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ các nước tiên tiến hơn không chỉ đảm bảo tuân thủ tiêu chí chất lượng và còn có thể nâng cao hơn chất lượng của các sản phẩm khi được áp dụng các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật này.

VASEP đề xuất Dự thảo có quy định rõ việc thừa nhận, công nhận các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật từ các nước tiên tiến, phát triển hơn. Các tổ chức, cá nhân có thể áp dụng các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài cho sản phẩm, dịch vụ của mình. VASEP góp ý quy định rõ về các nguyên tắc, tiêu chí, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc công nhận, thừa nhận và áp dụng các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài.

Xác định rõ tính tự nguyện của tiêu chuẩn kỹ thuật

Đối với các doanh nghiệp thực sự muốn cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thì họ sẽ tự nguyện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở với các nội dung yêu cầu cao và quảng bá tiêu chuẩn đó đến với khách hàng để khách hàng ưu tiên lựa chọn. Còn các doanh nghiệp thực hiện đối phó thì việc bắt buộc có tiêu chuẩn không mang lại ý nghĩa gì.

VASEP đề xuất bổ sung thêm vào Dự thảo một số quy định sau:

- Xác định rõ tính tự nguyện của tiêu chuẩn kỹ thuật. Tức là chỉ tự nguyện về mặt nội dung; lựa chọn tiêu chuẩn nào hay bao gồm cả sự tự nguyện (hoặc sự bắt buộc) phải có ít nhất một tiêu chuẩn áp dụng.

- Trong trường hợp bắt buộc phải có tiêu chuẩn, cần quy định về tiêu chí và thẩm quyền lựa chọn các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện phải có tiêu chuẩn.

- Nếu luật hoá việc bắt buộc phải có tiêu chuẩn thì cần cân nhắc việc ban hành (hoặc tập hợp) danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện buộc phải có tiêu chuẩn để doanh nghiệp tiện tra cứu và thực thi.

Về bảo đảm mức độ tin cậy của dịch vụ đánh giá sự phù hợp

Trong thời gian qua, theo phản ánh của một số doanh nghiệp với VCCI thì mức độ tin cậy của một số đơn vị đánh giá sự phù hợp của Việt Nam chưa cao. Tình trạng cố tình “du di” để có kết quả đánh giá tốt hơn theo yêu cầu của khách hàng vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Điều này khiến cho các kết quả giám định, chứng nhận này bị người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nghi ngờ, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như hàng hoá của Việt Nam khó xuất khẩu hơn, các doanh nghiệp trung thực không thể cạnh tranh được với các đối thủ gian dối.

VASEP đề xuất bổ sung thêm vào Dự thảo một số quy định sau:

- Xem xét giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dịch vụ này, như các yêu cầu về máy móc, thiết bị, số lượng, kinh nghiệm của nhân sự.

- Cần đơn giản hoá thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ theo hướng doanh nghiệp tự khai báo, tự chịu trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ mới, tương tự như đã quy định trong lĩnh vực đo lường.

- Xem xét bổ sung thêm quy định: các cơ quan nhà nước không được từ chối chỉ định đơn vị đánh giá sự phù hợp đủ năng lực.

Dịch vụ đánh giá sự phù hợp và dịch vụ giám định thương mại còn chồng chéo

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định, giám định hàng hoá (đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu) đang cùng lúc phải xin 02 giấy phép cho hoạt động này. Một là giấy phép để cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; hai là giấy phép cung cấp dịch vụ giám định thương mại do Bộ Công Thương quản lý theo Luật Thương mại. Về lý thuyết, hai thuật ngữ dịch vụ giám định thương mại và dịch vụ đánh giá sự phù hợp có nội hàm khác nhau, nhưng phạm vi trùng lặp rất lớn.

VASEP đề xuất Dự thảo cần thống nhất quản lý nội dung này nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tránh chồng chéo.

VASEP cũng góp ý bổ sung các quy định số hóa để giải quyết các thủ tục hành chính theo hình thức online như: tiếp nhận, giải quyết hồ sơ yêu cầu ban hành, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, giải quyết khiếu nại, tố cáo... liên quan đến Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định về việc áp dụng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động kinh tế xã hội khác. Điều này được hiểu là áp dụng cho cả hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất khẩu.

VASEP đề xuất Dự thảo cần có quy định rõ việc loại trừ hàng hóa xuất khẩu/ hàng hóa sản xuất để phục vụ DN chế xuất ra khỏi đối tượng của Dự thảo vì hàng xuất khẩu thì không bán tại thị trường Việt Nam, do đó doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu/ DN chế xuất chỉ cần đảm bảo chất lượng hàng hóa phù hợp với quy định nước nhập khẩu.

VASEP trân trọng đề nghị các Quý Bộ và Ban soạn thảo xem xét, tiếp thu các góp ý-đề xuất nêu trên để bổ sung sửa đổi hợp lý cho Dự thảo nhằm vừa đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý, vừa phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM