Thủy sản trước thuận lợi và thách thức từ TPP

(vasep.com.vn) Trong 2 ngày 4 - 5/3/2016, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam – Từ phê chuẩn tới thực hiện” tại Vĩnh Phúc.

Tới dự hội nghị có bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Ted Osius, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương; lãnh đạo Đoàn ĐBQH các tỉnh thành khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung; các chuyên gia kinh tế, cán bộ ngoại giao các nước thành viên TPP tại Việt Nam. Đại diện VASEP, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội tham dự và có bài tham luận tại hội nghị này.

Trong 2 ngày tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các tác động của Hiệp định TPP đối với Việt Nam trong một số lĩnh vực cụ thể về mặt kinh tế, xã hội, lao động, công đoàn, sở hữu trí tuệ… Với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tập đoàn, DN, các phiên thảo luận đã cung cấp cho các Đại biểu Quốc hội và các đại biểu tham dự các ý kiến và sự đánh giá của cộng đồng DN về cơ hội, thách thức của Việt Nam. Các chuyên gia của Hoa Kỳ cũng trình bày và chia sẻ về tiến trình và triển vọng phê chuẩn Hiệp định TPP của Hoa Kỳ và một số nước thành viên.

Cũng tại hội nghị, những vấn đề về vai trò tham vấn DN trong đàm phán, các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của DN cũng được Thứ trưởng, Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và các đại biểu trao đổi sôi nổi. Tại đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đã có bài tham luận về những “Thuận lợi, thách thức và sự chuẩn bị của ngành thủy sản để thực thi TPP”.

Theo ông Hòe, tham gia TPP, các DN có được 2 cơ hội lớn nhất là: ưu đãi thuế quan và thị trường được rộng mở.

Về thuế quan: Hiện nay, 11 nước thành viên tham gia TPP cùng Việt Nam (Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, Newzealand, Chile, Peru và Brunei) đều là những đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam - tổng giá trị XK thủy sản sang 11 thị trường này đạt khoảng 3 tỷ USD, chiếm 45% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam

Với Nhật Bản trong TPP, tất cả các SP tôm tươi/đông lạnh (HS03) sẽ có thuế 0% (trước: 1-10%) ngay khi Hiệp định có hiệu lực; tôm chế biến (HS16) bị loại trừ khỏi danh mục giảm thuế trong VJEPA. Lợi thế hơn Agentina, Ecuado và Ấn Độ khi 3 nước này không có FTA với Nhật Bản. Lợi thế cộng gộp TPP (12 nước) hơn các nước Thái Lan, Philipines và Indonesia dù 3 nước này đã có cả FTA song phương và đa phương ASEAN với Nhật Bản. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho các DN XK hải sản, đặc biệt là DN XK cá ngừ sang Nhật Bản - thị trường đối tác lớn thứ 2 (sau Mỹ) trong 11 nước tham gia TPP bởi trong nhiều năm trước đây thuế suất của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Theo đúng lộ trình của TPP, Nhật Bản sẽ bãi bỏ thuế NK đối với sản phẩm cá ngừ và cá hồi và mở cửa cho các DN XK thuộc các nước thành viên tham gia tích cực hơn vào thị trường này.

Với Hoa kỳ trong TPP, các SP tôm tươi/đông lạnh (HS03) đã có thuế MFN 0%, SP tôm chế biến (HS16) có lộ trình 5 năm đưa thuế về 0%. Tuy nhiên, với TPP khi có hiệu lực thì tôm VN có lợi thế cạnh tranh hơn so với 6 nước cạnh tranh chính là Agentina, Ecuado, Ấn Độ, Thái Lan, Phillipines và Indonesia khi 6 nước này không có FTA với Hoa kỳ.

Mở rộng thị trường: Việc ký các hiệp định FTA và TPP sẽ là cơ hội cho DN thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường. Với năng lực hàng đầu thế giới hiện nay về công nghệ chế biến thủy sản của Việt Nam, DN có thể NK nguyên liệu từ các nước để gia công, chế biến XK sang EU và các nước tham gia TPP. Trung Quốc hiện đang đứng đầu về gia công thủy sản cho nhiều thị trường, nhưng hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác có điều kiện sản xuất và lao động thuận lợi hơn. Vì vậy, đây cũng đồng thời là cơ hội dịch chuyển các nguồn nguyên liệu tốt và khách hàng tốt để các nhà kinh doanh và NK thủy sản từ Mỹ, Nhật Bản, EU lựa chọn Việt Nam để đầu tư.

Nguồn nguyên liệu hải sản trong nước đang ngày càng thiếu hụt, thuế NK giảm cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các DN NK cá ngừ, mực, bạch tuộc Việt Nam khi NK từ các nước có năng lực khai thác tốt như Đài Loan, Nhật Bản, Mexico, Peru…

Việc tham gia các hiệp định TPP và FTA mang lại cơ hội về thuế XNK nhưng cũng tạo ra những thách thức cho DN thủy sản liên quan đến các vấn đề như quy tắc xuất xứ, rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại, sự gia tăng cạnh tranh và vấn đề lao động; sự kiểm soát bảo tồn nguồn lợi - IUU; quy định về các thủ tục hành chính; truyền thông bôi nhọ tại các thị trường tiêu thụ thủy sản...

Để có chuẩn bị cho việc thực thi TPP, VASEP đã chủ động tư vấn và tham vấn các DN để nâng cao nhận thức về TPP và FTAs, phân tích, tổng hợp để có dữ liệu sản xuất, XNK của các dòng hàng, chi tiết theo mã HS, cung cấp thông tin thuế quan; động kết nối và có tham vấn tích cực thường xuyên về xây dựng tiêu chuẩn, về công tác an tòan vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời xây dựng bộ phận chuyên môn về FTAs, kịp thời kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN thủy sản Việt Nam sau khi TPP có hiệu lực.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM