Nghị quyết số 105/NQ-CP: “Khó khăn gấp 2 thì phải nỗ lực, cố gắng gấp 3”

(vasep.com.vn) Ngày 14/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2020.

Nghị quyết này nêu rõ, dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và triển vọng kinh tế toàn cầu là rất khó khăn. Trong nước, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt phương châm của năm 2020 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; chủ động, đổi mới cách làm, nâng cao năng lực, tranh thủ thời cơ, quyết liệt hành động, phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, tinh thần Việt Nam, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân cả nước cùng vượt qua khó khăn, thách thức; tuyệt đối không chủ quan, nhận diện đúng tình hình, sát sao hơn nữa trong điều hành, có giải pháp cụ thể, đồng bộ, phù hợp tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Kích thích mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng chủ yếu: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng

Chính phủ nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng chủ yếu gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, kiên quyết không để dịch COVID-19 quay trở lại, đồng thời tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”; quyết liệt hành động nhanh hơn nữa, không để công việc trì trệ; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; phát huy mọi dư địa tăng trưởng, tiềm năng, lợi thế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố lớn, các đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phải phát huy nội lực, tăng cường liên kết vùng, có quyết sách mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để vực dậy tiềm năng, lợi thế, phát triển các mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 phù hợp với tình hình mới. Khẩn trương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận có chọn lọc, hiệu quả các dòng vốn đầu tư dịch chuyển trong khu vực, thế giới, nhất là từ các tập đoàn lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; phấn đấu xuất khẩu gạo thuộc nhóm các nước đứng đầu thế giới, đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức quán triệt và triển khai hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư, chủ động theo dõi, có phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai, nhất là trong mùa bão, lũ. Chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi; đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn. Tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng. Tập trung phối hợp với các địa phương triển khai tái cơ cấu sản xuất từng ngành hàng bảo đảm sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chí xuất xứ, quy định về truy xuất nguồn gốc và bảo đảm chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường; có giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở các điểm đê xung yếu, đập, hồ thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng để tránh sự cố khi mưa, lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án công nghiệp trọng điểm, nhất là các dự án năng lượng; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Sơ đồ quy hoạch điện VIII, bảo đảm đủ điện cho sản xuất và đời sống. Tập trung xử lý hàng tồn kho. Duy trì sản xuất các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp với bộ, ngành, địa phương có giải pháp đồng bộ tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam; xây dựng, triển khai các chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng; phát triển các kênh phân phối, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu, phối hợp chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Phối hợp với các bộ, ngành tập trung xử lý tốt những vấn đề thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ còn tồn tại với các đối tác. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường chính ngạch cho các mặt hàng nông sản với các đối tác; tạo điều kiện thông quan hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản. Tích cực phổ biến, hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu cho từng loại hình doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người dân về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), hỗ trợ DN trong nước tranh thủ, khai thác tối đa cơ hội, lợi ích của các FTA đã ký kết. Nâng cao nhận thức về xuất xứ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản chính ngạch sang các thị trường.

Tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn vay

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn vay; nghiên cứu, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng cho vay phù hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; phấn đấu xuất khẩu gạo thuộc nhóm các nước đứng đầu thế giới, đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản.

Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án công nghiệp trọng điểm, nhất là các dự án năng lượng. Tập trung xử lý hàng tồn kho. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp với bộ, ngành, địa phương có giải pháp đồng bộ tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam; xây dựng, triển khai các chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng; phát triển các kênh phân phối, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Xây dựng Chương trình Chuyển đổi số và ban hành trong năm 2020, tăng chi tiêu cho chuyển đổi số để thu hút các DN tập trung đầu tư. Khẩn trương triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để chia sẻ, khai thác dữ liệu, hoàn thành trong tháng 9 năm 2020. Tận dụng các hệ thống thông tin sẵn có, chủ động, huy động nguồn lực tại chỗ để bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của các thủ tục hành chính, đưa dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4.

Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao; khẩn trương kết nối, tích hợp hệ thống thông tin báo cáo, Trung tâm chỉ đạo, điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ các vấn đề đã được quyết nghị như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Xem xét mở rộng đối tượng, sắc thuế và kéo dài thời gian được gia hạn nộp thuế phù hợp. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định để thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ ban hành trong tháng 8/2020.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM