Một số nội dung thay đổi quan trọng tại thông tư sửa đổi thông tư về về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản

(vasep.com.vn) Hiện nay Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, Hiệp hội, DN có liên quan về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT (TT26) ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Đây là thông tư với nhiều nội dung quan trọng sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu của các DN thủy sản. Do đó, VASEP cũng đang tiến hành thu thập ý kiến góp ý của các DN hội viên để tránh những tác động, ảnh hưởng tới hoạt động XNK thực tiễn của DN khi thông tư mới được ban hành. Dưới đây là một số nội dung cần lưu ý.

Điều 1 của Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 4 như sau:

Hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công,chế biến thực phẩm xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài, nhập khẩu gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác để làm nguyên liệu gia công,chế biến thực phẩm xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu; sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc bị trả về: 

a) Đơn khai báo kiểm dịch theo Mẫu 03TS Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chụp có xác nhận của doanh nghiệp hoặc bản gốc Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu (trừ sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh bắt hải sản của nước ngoài, hàng mẫu có trọng lượng dưới 50 kg). Trường hợp gửi bản sao hoặc tại thời điểm gửi hồ sơ chưa cung cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu thì phải gửi bản gốc Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu khi kiểm tra hàng hóa;

c) Bản sao chụp Giấy phép theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

d) Bản sao chụp có xác nhận của doanh nghiệp Vận tải đơn đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu (trừ sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài).

đ) Bản sao chụp có xác nhận của doanh nghiệp các giấy tờ liên quan đến lô hàng khi xuất khẩu (Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nếu có, thông báo triệu hồi lô hàng của doanh nghiệp, tờ khai hải quan, bảng kê danh mục hàng hóa) đối với sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc bị trả về.

e) Bản sao chụp có xác nhận của doanh nghiệp Giấy chứng nhận của thuyền trưởng “Captain’s statement” hoặc Giấy xác nhận của người bán. Nội dung giấy xác nhận thể hiện các thông tin sau: tên tàu đánh bắt, số đăng ký của tàu, quốc gia treo cờ, phương pháp đánh bắt, thời gian đánh bắt, khu vực đánh bắt đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài.

g) Bản sao chụp có xác nhận của chủ hàng Giấy tờ do cơ quan thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp với với các nội dung: chính xác loại sản phẩm thủy sản, ngày bốc dỡ sản phẩm, tên tàu; sản phẩm thủy sản được giữ nguyên trạng, không chải qua các công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc dỡ; điều kiện lưu giữ sản phẩm và được cơ quan chức năng giám sát đối với sản phẩm động vật thủy nhập khẩu gián tiếp sản từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác về Việt Nam.”

Điều 14, TT26 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 14. Kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài, nhập khẩu gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác để làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu; sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc bị trả về: 

1. Chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Thông tư này đến cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nơi nhập hàng.

Hình thức gửi hồ sơ: Qua đường bưu điện hoặc thư điện tử, fax sau đó gửi hồ sơ gốc hoặc gửi trực tiếp.

Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu xác nhận Đơn khai báo kiểm dịch để chủ hàng làm thủ tục hải quan và thông báo cho chủ hàng thời gian, địa điểm tiến hành kiểm dịch, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn chủ hàng hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Căn cứ thông tin tàu đánh bắt do chủ hàng cung cấp, Cơ quan kiểm dịch cửa khẩu kiểm tra thông tin về sản phẩm hải sản của tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) được đăng tải trên website https://ec.europa.eu/fisheries/cfp/illegal_fishing/info. Trường hợp lô hàng là sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài có trong danh mục tàu IUU, Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu không thực hiện kiểm dịch và báo cáo ngay về Cục Thú y để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý; trường hợp tàu đánh bắt hải sản nước ngoài không có trong danh mục tàu IUU thì thực hiện kiểm dịch nhập khẩu theo quy định tại khoản 3, 4 Điều này.

2. Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thực hiện việc kiểm dịch như sau:

a) Kiểm tra điều kiện bảo quản, quy cách bao gói, ghi nhãn, ngoại quan của sản phẩm;

b) Trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y thì lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y.

c) Chủ hàng được đưa sản phẩm động vật thủy sản đông lạnh nhập khẩu làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu về kho bảo quản (kho bảo quản của chủ hàng phải đủ điều kiện vệ sinh thú y) để thực hiện việc kiểm dịch theo quy định. Chủ hàng phải tự chịu trách nhiệm trong việc vận chuyển, bảo quản hàng hóa và không được đưa hàng vào sử dụng khi chưa có kết quả kiểm dịch.

Trường hợp phát hiện hàng hóa có vi phạm, các lần nhập khẩu tiếp theo chủ hàng phải để hàng hóa tại khu vực cửa khẩu nhập để thực hiện việc kiểm dịch. Nếu có kết quả kiểm tra của 03 lần nhập khẩu liên tiếp đạt yêu cầu thì mới tiếp tục được đưa hàng về kho bảo quản để thực hiện kiểm dịch. ”

3. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch

a) Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi bắt đầu kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với lô hàng bảođảm các yêu cầu vệ sinh thú y;

b) Trường hợp lô hàng phải lấy mẫu kiểm tra: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi bắt đầu kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với lô hàng bảođảm các yêu cầu vệ sinh thú y.

c) Đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu, nếu chủ hàng có khai báo kiểm dịch sửa đổi, bổ sung theo phân loại sản phẩm, thị trường xuất khẩu, Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nơi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu lần đầu thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu thay thế Giấy chứng nhận đã cấp.

Việc khai báo sửa đổi, bổ sung theo phân loại sản phẩm, thị trường xuất khẩu phải bảo đảm đúng nguồn gốc và số lượng hàng đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu lần đầu.

d) Không áp dụng nội dung Giấy có giá trị đến đối với sản phẩm động vật thủy sản đông lạnh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất xuất khẩu”.

4. Kiểm tra giám sát sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩulàm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu; hàng bị triệu hồi hoặc trả về:

a) Lấy mẫu giám sát các chỉ tiêutheo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thông báo vi phạm: Thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 13 của Thông tư này.

Mục I.A, Mục 1.1.1.I.B và Mục II.B của Phụ lục IV được sửa đổi, bổ sung như sau

Về tần suất lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm.

a) Đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh): Lấy mẫu của 03 (ba) lô hàng (cùng loại sản phẩm, cùng cơ sở sản xuất của cùng quốc gia/vùng lãnh thổ và của cùng một chủ hàng) liên tiếp để kiểm tra, xét nghiệm và xử lý kết quả kiểm tra, xét nghiệm như sau:

a1) Nếu kết quả kiểm tra, xét nghiệm của 03 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu thì cứ 05 (năm) lô hàng (cùng loại sản phẩm, cùng cơ sở sản xuất của cùng quốc gia/vùng lãnh thổ và của cùng một chủ hàng) tiếp theo chỉ lấy mẫu của 01 (một) lô hàng ngẫu nhiên để kiểm tra, xét nghiệm; nếu phát hiện 01 (một) lần vi phạm thì lấy mẫu của 03 (ba) lô hàng (cùng loại sản phẩm, cùng cơ sở sản xuất của cùng quốc gia/vùng lãnh thổ và của cùng một chủ hàng) liên tiếp để kiểm tra, xét nghiệm và xử lý kết quả theo quy định tại mục này;

a2) Nếu kết quả kiểm tra, xét nghiệm của từ 01 – 02 lô hàng không đạt yêu cầu thì tiếp tục duy trì lấy mẫu của 03 lô hàng liên tiếp để kiểm tra, xét nghiệm;

a3) Nếu kết quả kiểm tra, xét nghiệm của 03 lô hàng liên tiếp không đạt yêu cầu thì đề xuất tạm ngừng nhập khẩu loại sản phẩm động vật thủy sản vi phạm.

b) Đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến):

Cứ 05 (năm) lô hàng (cùng loại sản phẩm, cùng cơ sở sản xuất của cùng quốc gia/vùng lãnh thổ và của cùng một chủ hàng) lấy mẫu của 01 (một) lô hàng ngẫu nhiên để kiểm tra, xét nghiệm; nếu phát hiện 01 (một) lần vi phạm thì lấy mẫu của 03 lô hàng (cùng loại sản phẩm, cùng cơ sở sản xuất của cùng quốc gia/vùng lãnh thổ và của cùng một chủ hàng) liên tiếp để kiểm tra, xét nghiệm và xử lý kết quả kiểm tra, xét nghiệm như quy định tại mục a1.1.3, a2.1.3 và a3.1.3 của Phụ lục này.

c)  Trường hợp các lô hàng không phải lấy mẫu kiểm tra, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu khi kiểm tra nghi ngờ hoặc phát hiện hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y thì lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo quy định.

d) Việc lấy mẫu theo tần suất được áp dụng trên tổng số lô hàng nhập khẩu từ ngày 01 tháng 01 đến hết tháng 12 trong cùng 01 năm.

1.4. Khi kết quả kiểm tra, xét nghiệm của lô hàng được lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm không đạt yêu cầu, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu báo cáo ngay về Cục Thú y để thông báo vi phạm và có biện pháp xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Dự thảo thông tư sửa đổi TT26 cũng sửa đổi, bổ sung nội dung về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam tại Điều 15; Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập, xuất kho ngoại quan tại Điều 17; Bổ sung điểm d vào khoản 1 Điều 22 về giám sát, kiểm tra, ngăn chặn tàu khai thác hoặc tàu vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác vi phạm các quy định về IUU khi chủ hàng đăng ký kiểm dịch nhập khẩu vào cảng Việt Nam...

Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM