Kiểm tra chuyên ngành là gánh nặng của doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Theo khảo sát và đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), các quy định, thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (KTCN) chưa có chuyển biến đáng kể. Một số quy định được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP; chưa giải quyết được vấn đề, gây bức xúc cho DN. Tỷ lệ lô hàng phải KTCN cao, thời gian KTCN chưa có cải thiện, chi phí kiểm tra không giảm trong khi chi phí kiểm tra không chính thức có biểu hiện tăng…

Kiểm tra chuyên ngành: gánh nặng về thời gian và chi phí

Theo đánh giá của WB, chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục giảm bậc trong 2 năm gần đây do những bất cập trong quản lý chuyên ngành. Thời gian thực hiện thủ tục XK (147 giờ) và NK (177 giờ) dài hơn nhiều so với Singapore (16 giờ và 36 giờ), Malaysia (30 giờ và 34 giờ) và Thái Lan (62 giờ và 54 giờ). Thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới cũng dài hơn nhiều so với yêu cẩu của cam kết TPP (không quá 48 giờ).

Tỷ lệ lô hàng phải KTCN cao, trung bình chiếm 30% tổng số lô hàng. Tỷ lệ này còn cao hơn ở các cửa khẩu lớn (ví dụ tỷ lệ tại hải quan thành phố Hồ Chí Minh là 35%, Bình Định 31%…), và không giảm so với năm trước. Số lượng lô hàng thuộc diện KTCN trên thực tế cũng rất lớn.

Tại Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi các luật về quản lý chuyên ngành do CIEM và USAID tổ chức ngày 3/10/2016 ở TP HCM, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, chi phí kiểm tra chuyên ngành đang là gánh nặng đối với DN.

Riêng TP. HCM, năm 2015 số lượng tờ khai xuất NK qua hải quan thành phố chiếm khoảng 40 - 50% tổng tờ khai toàn quốc. Và con số chi phí cho kiểm tra chuyên ngành tại TP.HCM lên đến 1.091,5 tỷ đồng. Lý do, TP.HCM có cảng và sân bay lớn nhất cả nước nên tỷ lệ hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành cao hơn các nơi khác. Chi phí này chưa bao gồm phí cấy giấy phép, chi phí tiền vay, chi phí lưu kho bãi, chi phí lao động,…

Bà Thảo lấy ví dụ, một DN sản xuất, XK thủy sản thống kê trung bình một năm phải chi khoảng 6 tỷ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng thủy sản (chi phí kiểm tra và chi phí lưu kho), chưa tính chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho. Trong khi đó, hàng kiểm tra chuyên ngành thường phải lưu kho nhiều ngày. Tính trung bình khoảng 20 triệu đồng/container/ngày lưu kho, mà một năm DN NK khoảng 200 - 300 container hàng.

Hay với một DN NK hàng bột mì, phụ gia thực phẩm để sản xuất hàng thủy sản XK, thống kê chi phí cho kiểm tra chuyên ngành đối với những mặt hàng này khoảng 1 tỷ đồng/năm, chiếm 2 - 3% giá thành sản phẩm. 

Kiểm tra chuyên ngành: Chồng chéo, tốn kém

Còn theo ông Phạm Thanh Bình, Nguyên Cục trưởng, Cục Giám sát Quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan, chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng doàn diện(GIG), thủ tục kiểm dịch động vật của Bộ NN và PTNT vẫn rườm rà, tốn thời gian, chi phí cho DN.

Qua khảo sát thấy đối với động vật và sản phẩm động vật NK 100% lô hàng phải thực hiện thủ tục kiểm dịch. Đối với động vật XK chỉ kiểm dịch khi có yêu cầu của chủ hàng. Quy trình kiểm dịch bắt buộc là: khai báo – đưa hàng về lưu giữ tại kho cách ly trong thời gian 3 ngày để lực lượng kiểm dịch theo dõi – trả kết quả.

Tại Hà Nội thời gian Kiểm dịch động vật đối hàng tươi sống tại từ 3 – 5 ngày, nếu ngày trả kết quả là ngày nghỉ (thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ) thì phải cộng thêm số ngày nghỉ làm kéo dài thời gian thông quan hàng hoá và nhất là làm ảnh hưởng đến hạn sử dụng của hàng hoá (ví dụ thời hạn sử dụng mặt hàng cá hồi tươi sống thường chỉ có 15 – 20 ngày, thời gian kiểm dịch như trên dễ dẫn đến nguy cơ DN không bán được hàng do cận date). Do đó, đề nghị Cục Thú y trả kết quả vào ngày nghỉ (như HQ cửa khẩu và cơ quan kiểm dịch thú y tại TP. HCM).

Tại Đà Nẵng, Bình Định (theo Công ty BIĐIFISHCO ở cả TP. HCM), hàng đông lạnh (thịt, cá, thuỷ sản nguyên liệu NK để SX hàng XK...) không được cơ quan kiểm dịch thú y cho đưa về kho lạnh của DN để chờ kết quả kiểm dịch, thời gian lưu tại cảng 3 – 5 ngày, DN phải trả chi phí lưu kho và tiền điện (khoảng 20 triệu đồng/container, DN nhập 200 – 300 container/năm, riêng chi phí này khoảng 4 – 6 tỷ đồng/năm. Một khoản phí khác rất lớn cần phải tính đến là phí cầu đường chặng Qui Nhơn – HCM – Qui Nhơn rất lớn, tới 4,5 triệu/container).

Đề nghị Bộ NN và PTNT quy định, cơ quan thú y áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân loại DN, cho phép các DN tuân thủ tốt pháp luật, có kho lạnh được phép đưa hàng về kho bảo quản, chờ kết quả kiểm dịch, để giảm gánh nặng chi phí cho DN.

Còn mặt hàng thuỷ sản XK vừa phải kiểm dịch động vật (do cơ quan thú y thực hiện), vừa phải kiểm tra chất lượng do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) thực hiện. Vì vậy, đề nghị Bộ NN và PTNT có giải pháp tránh kiểm tra chồng chéo (tại Hội nghị Cát Lái do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, đại diện Bộ NN và PTNT đã cam kết sẽ rà soát để đến cuối  năm 2016 khắc phục tất cả các trường hợp kiểm tra trùng lặp nội bộ ngành nông nghiệp).

Cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay, theo đánh giá của chuyên gia GIG, không những bản thân nó là gánh nặng thủ tục hành chính, gánh nặng chi phí cho DN, mà nó còn kéo theo hệ lụy là làm phức tạp thêm thủ tục hải quan. Do đó, GIG kiến nghị cần thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng không kiểm tra lô hàng XK, mà kiểm tra cơ sở sản xuất; không kiểm tra lô hàng NK tại giai đoạn thông quan mà chuyển căn bản sang kiểm tra sau thông quan (trừ kiểm dịch).

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo các bộ ngành liên quan kiên quyết thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Trong năm 2016, phải giảm tỷ lệ các lô hàng NK phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15%, xác định rõ trách nhiệm, giảm chồng chéo, giảm tiền kiểm, tăng sự cạnh tranh các đơn vị kiểm tra…

Tuy nhiên, một số bộ, ngành có liên quan vẫn chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc, gây bức xúc, giảm niềm tin và sự kỳ vọng vào những thay đổi cải cách từ chính các bộ, ngành. Do vậy ảnh hưởng không tốt tới tính hiệu lực, hiệu quả của các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM