Kết luận của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thủy sản

(vasep.com.vn) Ngày 1/5/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.

Chú thích ảnh

Thuỷ sản là một trong các trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam

Thông báo nêu, ngành thủy sản những năm qua đã có những bứt phá vượt bậc, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam.

Hiện sản phẩm thủy sản Việt Nam đã XK tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị XK thủy sản lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD trong năm 2022.

Tuy nhiên, cuối năm 2022, đặc biệt quý đầu năm 2023, cùng với khó khăn chung của các ngành, lĩnh vực, XK thuỷ sản giảm nhiều so với cùng kỳ, đặc biệt là tại các thị trường, truyền thống, như: Mỹ, EU; số lượng đơn hàng giảm mạnh. Sản xuất, chế biến và XK thủy sản có những cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn.

Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi nhất là thị trường ngách; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản…

Khắc phục "thẻ vàng" IUU

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của EC, tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động XK nông sản Việt Nam. Tiếp tục tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản làm cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững; tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU.

Xây dựng, trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về thủy sản, trong đó có chính sách phát triển thủy sản, thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Đề xuất cơ chế hợp tác công tư trong huy động nguồn lực, người dân, xã hội đầu tư cho hạ tầng thủy sản. Xây dựng thí điểm một số mô hình về sản xuất giống, quản lý hiện đại, chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, ngăn chặn tình trạng tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn nước thải cho ngành thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các chính sách về đất đai đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng sản xuất chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn, nhất là đối với các quy hoạch về đất đai, giao mặt nước, giao mặt biển...

Đồng thời, xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện, năng lực ngành thuỷ sản và tiệm cận quy định của quốc tế.

Giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp XK.

Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.

Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu kiến nghị của 02 Hiệp hội về giảm thuế giá trị gia tăng). Vận dụng chính sách tài khóa mở rộng linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tập trung xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác tiềm năng; đấu tranh bảo vệ thương hiệu, các mặt hàng xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế khi xảy ra tranh chấp thương mại.

Hướng dẫn các cơ chế, quy định của luật pháp để giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các cam kết quốc tế, phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi;

Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức kết nối giữa thị trường trong nước và ngoài nước, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước; cung cấp các thông tin về thị trường; kịp thời cung cấp thông tin thay đổi chiến lược, cơ chế chính sách, thể chế của các nước để các cơ quan, doanh nghiệp có biện pháp thích ứng phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối kế hoạch vốn trung hạn để ưu tiên thực hiện các chính sách đầu tư về hạ tầng theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến, phát triển các dịch vụ logistic, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo trong ngành thuỷ sản.

Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan, bảo đảm khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với quốc tế, nhất là chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến thuỷ sản

Xem xét chính sách về hỗ trợ nhà ở cho công nhân

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng xem xét, hoàn thiện các cơ chế chính sách về hỗ trợ nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có ngành sản xuất, chế biến thủy sản.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh ưu tiên đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của lao động ngành sản xuất, chế biến thủy sản, nhất là đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.

Bộ Công an, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các quy định về phòng cháy chữa cháy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy; đảm bảo phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng tiệm cận với các quy định của quốc tế, không chuyển đổi trạng thái đột ngột, điều hành chính sách không giật cục; đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục hành chính liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, không gây lãng phí cho các DN và xã hội.

Các đề xuất kiến nghị của VASEP về các vấn đề nổi cộm, đang gây ra những thách thức không nhỏ cho sản xuất và XK thủy sản cũng được đề cập trong 2 Nghị quyết mới đây của Chính phủ.

Ngày 08/04/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về hội nghị chính phủ với địa phương và phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện những nội dung chủ yếu:

Trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023, nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế giá trị gia tăng. Khẩn trương xử lý giải quyết vấn đề hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án phân cấp cho các địa phương thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp; rà soát, sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn nước thải trong nuôi trồng, chế biến thủy sản…

Ngày 21/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt, hiệu quả những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã đề ra, trong đó đáng chú ý:

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chỉnh sửa các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật nước thải chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng công nghệ, yếu tố đặc thù của ngành và thông lệ quốc tế, đặc biệt là chỉ tiêu phospho; xem xét xây dựng quy chuẩn kỹ thuật riêng đối với nước thải ao nuôi thủy sản với các quy định phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của ngành nuôi trồng thủy sản; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của Liên minh Châu Âu, bao gồm việc cải tiến quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra - cấp xác nhận, chứng nhận khai thác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023…

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai vào thực tế các giải pháp giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức; tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, hiệp hội rà soát trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế XK, thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước….

Thông báo 167/TB-VPCP ngày 1/5/2023: Kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị với VASEP ngày 13/4/2023

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM