(vasep.com.vn) Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 với mức tăng 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 trong năm 2022 để thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp.
Tại phiên họp này, đại diện cho phía người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra 2 phương án.
- Phương án 1: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, với mức tăng từ 270.000-330.000 đồng, bình quân tăng 8,16% so với năm 2020-2021.
- Phương án 2: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, với mức tăng từ 230.000-300.000 đồng, bình quân tăng 7,25% so với năm 2020-2021.
Còn VCCI đề xuất nhiều tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng từ 3 - 6% và tăng từ 1/1/2023.
Trong khi đó, Hội đồng Tiền lương lại đưa ra phương án tăng từ 5 - 6,18%.
Sau khi thảo luận, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn 1 phương án thống nhất tăng 6% từ 1/7/2022, tùy thuộc từng vùng.
- Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng.
- Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng.
- Vùng 3 tăng 240.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng.
- Vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.
Như vậy, theo như đề xuất của Hội đồng Tiền lương QG, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% (tăng thêm từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng tùy vùng).
Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất và cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.