Doanh nghiệp thủy sản: Nỗi lo tăng phí đầu năm

(vasep.com.vn) Theo phản ánh của nhiều DN XK thủy sản, sau khi Luật phí và Lệ phí được ban hành và 4 thông tư quy định về phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2017 có nhiều mức phí tăng lên rất cao làm gia tăng chi phí đáng kể cho DN mà trước đó họ không phải trả chi phí này. Lấy ví dụ ở một DN cá tra ĐBSCL, nếu mỗi ngày DN này phải lấy mẫu kiểm tra 15 lô hàng sản xuất với mức phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm XK theo yêu cầu của nước NK là 350.000 đồng/lô hàng thì trung bình mỗi năm DN phải 1,26 tỷ đồng. Còn với một DN nhỏ sản xuất hải sản khô tại Nam Trung Bộ, chỉ tính riêng phí này sẽ tăng lên trên 100 triệu đồng/năm.

Ngày 22/2/2017, VASEP đã gửi Công văn số 25/2017/CV-VASEP tới Bộ Tài chính kiến nghị về mức phí quy định tại 4 Thông tư về phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và an toàn thực phẩm (Thông tư 230/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016; Thông tư 279/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016; Thông tư 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016; Thông tư 286/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016).

Tại công văn này, VASEP đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, sửa đổi các quy định mới về phí kiểm tra chuyên ngành theo hướng minh bạch cách tính phí, cơ cấu của phí đảm bảo tiêu chí mức thu đủ bù đắp chi phí và chỉ áp dụng với phạm vi xuất phát từ yêu cầu của chủ hàng, trong đó cần điều chỉnh các mức phí phù hợp nhằm giảm chi phí cho DN và minh bạch trách nhiệm trả phí .

Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính cũng xác định rõ danh mục các hoạt động kiểm tra chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước phải trả phí và kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu của DN.

Với các bất cập như trong trường hợp DN sản xuất, XK cá tra và hải sản khô như đã đề cập ở trên, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính rà soát để giảm mức phí này xuống mức phù hợp theo nguyên tắc và quy định của Luật phí và Lệ phí. Đối với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại DN để cấp Giấy chứng nhận thực phẩm XK theo yêu cầu của nước NK không quá 200.000 đồng/lô hàng.

Về mức phí tại Biểu phí ban hành kèm theo Thông tư 279: Thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (trừ thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng); phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; các thực phẩm là thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá: Công bố lần đầu là 500.000 đồng /lần/sản phẩm và công bố lại: 300.000 đồng /lần/sản phẩm”. VASEP kiến nghị Bộ Tài chính rà soát quy định lại mức thu này để có thể hỗ trợ được cho DN trong bối cảnh hiện nay, kiến nghị mức thu “thẩm định hồ sơ...” là không quá 200.000 đồng/lần cho công bố lần đầu và không quá 100.000 đ/lần đối với công bố lại.

Một DN hải sản quy mô nhỏ tại Nam Trung Bộ đã thống kê, trong năm 2016 đã làm xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP cho 32 sản phẩm mới, tức là trung bình 2 - 3 sản phẩm/tháng. Trung bình 1 sản phẩm, công ty phải chi trả chi phí từ 2.000.000 đ - 3.000.000 đồng/sản phẩm (gồm phí kiểm mẫu và phí công bố phù hợp quy định ATTP). Như vậy, tính trung bình một năm, chi phí để làm xác nhận công bố mới của công ty là 32 sản phẩm là 80 triệu đồng.

Ngoài ra, hàng năm công ty phải chịu thêm chi phí gửi mẫu kiểm tra định kỳ cho từng sản phẩm để gia hạn giấy xác nhận công bố (5 năm/lần), với chi phí khoảng 620.000 đ - 1.530.000 đồng/sản phẩm, tùy theo sản phẩm. Tính từ năm 2013 - 2016, công ty đã tiến hành gia hạn xác nhận công bố cho 71 sản phẩm, tính trung bình là 18 sản phẩm/năm, ước tính chi phí trung bình để gia hạn giấy xác nhận sẽ là 19,35 triệu đồng.

Tổng cộng chi phí hàng năm cho việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của công ty đã lên tới khoảng 100 triệu đ/năm.

Với việc các chi phí cho SX trong năm 2017 đều tăng, việc chi phí xác nhận công bố công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP là cao như trên càng làm cho chi phí hoạt động kinh doanh sản xuất của Doanh nghiệp thêm khó khăn. Trong khi đó, mức phí thẩm định hồ sơ 500.000 đ/lần là chưa có cơ sở khi việc thẩm định hồ sơ chỉ là các công tác hành chính tại chỗ như tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, xác nhận trên giấy tờ, tài liệu, không tốn nhiều nhân lực và chi phí.

Về mức phí thẩm định xác nhận kiến thức ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tại Thông tư 286; Mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản: 700.000 đồng/lần theo Thông tư 230; Phí Kiểm tra, giám sát hàng động vật, sản phẩm động vật và phí kiểm dịch cho lô hàng nhập khẩu theo Thông tư 285 cũng tăng nhiều so với trước.

Trong bối cảnh ngành thủy sản đang gặp khó khăn về thị trường và sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường cạnh tranh như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... VASEP kiến nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, sửa đổi các quy định còn bất hợp lý trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN theo tinh thần của Nghị quyết 19/2017Nghị quyết 35/2016 của Chính Phủ.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM