Chỉ tính phí bảo vệ môi trường với hai thông số ô nhiễm COD và TSS

(vasep.com.vn) Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Bộ đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn xác định nước thải của nhóm lĩnh vực, ngành nghề phải lấy mẫu phân tích các thông số kim loại nặng để tính toán số phí phải nộp theo hướng dẫn vào Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải.

Ngày 18/4/2018, Bộ TN&MT đã gửi Công văn số 1991/BTNMT-TCMT (CV 1991) trả lời kiến nghị của VASEP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Trước đó, ngày 13/3/2018, VASEP đã gửi Công văn số 38/2018/CV-VASEP (CV 38) tới Bộ TN&MT kiến nghị Bộ này có văn bản chỉ đạo việc thực hiện Nghị định 154/2016/NĐ-CP (NĐ 154/2016) của Chính phủ.

Đầu năm 2017, nhiều DN hội viên phản ánh việc các Chi cục Môi trường các Tỉnh đang yêu cầu các nhà máy chế biến thủy sản phải đóng phí bảo vệ môi trường (BVMT) theo NĐ 154/2016 bao gồm cả 4 chỉ tiêu kim loại nặng (Hg, Pb, As, Cd) là các chỉ tiêu không có trong QCVN 11:2015/BTNMT (nước thải cho chế biến thủy sản). Ngày 27/6/2017, VASEP đã có Công văn số 78/2017/CV-VASEP kiến nghị Bộ TN&MT có văn bản chỉ đạo việc thực hiện NĐ 154/2016 hướng dẫn cơ quan địa phương để DN chế biến thủy sản không phải trả phí cho các chỉ tiêu không có trong QCVN 11:2015/BTNMT.

Ngày 7/8/2017,Tổng cục Môi trường đã có văn bản số 2106/TCMT-KSON trả lời công văn 78/2017/CV-VASEP của VASEP. Theo đó, BộTN&MT thông báo đã có công văn số 1941/BTNMT-TCMT ngày 21/4/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cũng gửi Công văn số 2055/BTNMT-TCMT ngày 27/4/2017 tới BộTài chính về các bất cập của NĐ154 để đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện quy định về phí BVMT đối với nước thải.

Ngày 3/7/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6793/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ TNMT hướng dẫn triển khai thực hiện NĐ 154/2016; tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá việc thực hiện nghị định này, trên cơ sở đó tổng hợp vướng mắc, khó khăn phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 22/8/2017, VASEP tiếp tục có công văn số 117/2017/CV-VASEP gửi Bộ Tài chính báo cáo và đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn việc thực hiện NĐ154 theo văn bản số 1941/BTNMT-TCMT của Bộ TNMT và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại công văn 6793/VPCP-KTTH.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng theo văn bản 6793/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ và để trả lời công văn 117/2017/CV-VASEP của VASEP, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 13740/BTC-CST ngày 12/10/2017 ngay sau cuộc họp 3 bên do đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế-Bộ Tài chính chủ trì cùng với đại diện của Tổng cục Môi trường-Bộ TNMT và VASEP.

Theo văn bản 13740/BTC-CST kể trên, Bộ Tài chính hướng dẫn và khẳng định NĐ 154/2016 không có quy định phải đánh giá, lấy mẫu phân tích đối với tất cả các thông số ô nhiễm, mà chỉ quy định mức phí và cách tính đối với các chất ô nhiễm có trong nước thải. Về xác định số phí phải nộp thì theo điểm b khoản 1 Điều 12 NĐ 154/2016, Chính phủ đã giao Bộ TNMT quy định việc đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải công nghiệp để xác định số phí phải nộp theo quy định của NĐ154/2016.

Do đó, VASEP kiến nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT có văn bản chỉ đạo ngay việc thực hiện đúng NĐ 154/2016 trong đó không thực hiện việc yêu cầu các DN thủy sản phải lấy mẫu-kiểm nghiệm và trả phí BVMT cho các chỉ tiêu ô nhiễm không có trong QCVN 11:2015, đặc biệt là 4 chỉ tiêu kim loại nặng (Hg, Pb, As, Cd) theo đúng nội dung mà Bộ Tài chính đã có ý kiến tại văn bản 13740/BTC-CST ngày 12/10/2017.

Mới đây, trong CV 1991, trả lời kiến nghị tại CV 38 của VASEP, Bộ TN&MT cho biết, Bộ thống nhất với quan điểm của Bộ Tài chính đã nêu tại CV 13842/BTC-CST ngày 16/10/2017 đó là: Nước thải của ngành nghề có chứa thông số ô nhiễm nào (theo quy định tại khoản 2, Điều 6 NĐ 154/2016) thì tính theo thông số ô nhiễm đó.

Theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước thải chế biến thủy sản QCVN 11-MT:2015/BTNMT, nước thải của loại hình chế biển thủy sản không phải kiểm soát các thông số kim loại nặng. Do vậy, trước mắt, nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện tại của loại hình chế biến thủy sản, việc tính số phí phải nộp theo quy định của NĐ 154/2016 sẽ được thực hiện đối với các thông số ô nhiễm (quy định tại Khoản 2, Điều 6, NĐ 154/2016, cụ thể là 2 thông số nhu cầu oxy hóa học (COD) và tổng chất rắn lơ lửng (TSS).

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM