Bổ sung iod vào thực phẩm là cần thiết: Nên khuyến khích thay vì ép buộc

(vasep.com.vn) Theo Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ, vi chất dinh dưỡng (iod, sắt, kẽm, vitamin A) là các vitamin, chất khoáng hoặc chất vi lượng khác cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người. Do đó, tăng cường một số vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm như: I-ốt vào muối, sắt, kẽm vào bột mỳ, vitamin A vào dầu thực vật là quy định bắt buộc.

Nghị định này cũng nêu rõ đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh dưỡng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng dùng trong nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trừ các cơ sở xuất khẩu thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và cá nhân làm nghề sản xuất muối thủ công.

Thế nhưng “các tổ chức, cá nhân có liên quan” có bao gồm cả DN sản xuất thực phẩm hay không thì Nghị định này không nêu rõ. Vì “quy định câu chữ” không rõ ràng này đã khiến nhiều DN không khỏi thắc mắc “gõ cửa” hỏi Bộ Y tế. Ngay sau đó ngày 14/3/2017, Bộ Y tế đã có văn bản số 1216/BYT-PC trả lời ý kiến của doanh nghiệp về việc triển khai điểm a, khoản 1, Điều 6 của NĐ 09 nhưng lại khẳng định rằng: “Các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt”.

Ngay sau nhận được văn bản trả lời của Bộ Y tế, các DN chế biến thực phẩm không khỏi bức xúc và gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và NK. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, Bộ Y tế vẫn im lặng.

Cho dù, ngày 15/5/2018, tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Chính phủ giao Bộ Y tế: “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng: (i) bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” tại điểm a Khoản 1 Điều 6; (ii) bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại điểm b Khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”.

Chiều ngày 25/6/2018, tại Hội thảo “Trao đổi một số thông tin và đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm” do Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) phối hợp với Hiệp Hội Chế Biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP); Hiệp hội Thực phẩm minh bạch và Hội Nước mắm Phú Quốc tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến của chuyên gia và Hiệp hội, DN chế biến thực phẩm lại nêu lên những bức xúc và tiếp tục phản bác lại quy định này.

Tại hội thảo này, chuyên gia Vũ Thế Thành - Thạc sỹ ngành Quản lý Chất lượng Đại học Toulon-Var (Pháp), giảng viên an toàn thực phẩm của VASEP và là người có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn về công nghệ thực phẩm, an toàn thực phẩm và các chất phụ gia thực phẩm cho rằng: Bổ sung iod là điều cần thiết nhất trong các nguyên tố vi lượng. Tuy nhiên, Nhà nước cần tập trung vận động người dân dùng muối iod hoặc thực phẩm tự nhiên có chứa iod thay vì bắt buộc DN sử dụng muối iod trong chế biến thực phẩm. Đồng thời, Nhà nước cũng kiểm soát chất lượng muối iod trên thị trường; khuyến khích các DN (bánh các loại, nước mắm, mì gói…), bổ sung sắt, kẽm và ghi nhãn và truyền thông để người dân hiểu ích lợi của kẽm, sắt, iod… và tiêu thụ những sản phẩm nêu trên.

Theo chuyên gia Vũ Thế Thành,  vai trò của Iod rất quan trọng trong việc tổng hợp hormons tuyến giáp (thyroxine T4 & triiodothyronine T3) và thiếu iod sẽ gây ra bệnh bướu cổ, chậm tăng trưởng, kém phát triển não ở thai nhi và trẻ em nhưng thiếu hay thừa iod đều không tốt cho sức khỏe cộng đồng. Ước tính, 2,2 tỷ người rủi ro do thiếu iod và hơn 70% quốc gia có chương trình sử dụng muối iod (muối gia dụng). Và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không bắt buộc sử dụng muối iod trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Thực phẩm công nghiệp dùng muối iod phải kê khai trên nhãn. Trong chế biến thực phẩm, muối iod bị oxid hóa bởi thực phẩm và làm biến màu thực phẩm.

Tại Việt Nam, có nhiều khó khăn trong việc sử dụng muối iod do bờ biển dài 3.000 km nên mức độ thiếu iod chưa được làm rõ ở khu vực vùng núi và biển. Phần lớn các hộ gia đình dùng nước mắm phổ biến hơn dùng muối. Nhưng nếu thêm iod vào mắm sẽ làm cho nước mắm truyền thống bị đổi màu. Do muối iod làm đổi màu thực phẩm nên sản phẩm sẽ bị thua thiệt khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Trong khi truyền thông về thực phẩm chứa iod và muối iod chưa hiệu quả thì việc áp dụng quy định này sẽ tạo áp lực lên công nghiệp dùng muối iod.

Liên quan vấn đề này, ngày 27/6/2018, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã gửi Thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc doanh nghiệp thực phẩm gặp nhiều khó khăn trong thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Để thực hiện Nghị quyết 19/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, cải thiện môi trường kinh doanh, 7 Hiệp hội, Hội đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19/2018/NĐ-CP để ban hành ngay trong quý 3 năm 2018 cho các doanh nghiệp thực hiện.

Sau khi nhận được Thư kiến nghị của 7 Hiệp hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trước ngày 16/7/2018.

 

Bảng khuyến nghị khẩu phần ăn (RDAs) có chứa iod

Độ tuổi

Nam

Nữ

Mang thai

Cho con bú

Từ 0-6 tháng

110 mcg*

110 mcg*

   

Từ 7–12 tháng

130 mcg*

130 mcg*

   

Từ 1–3 tuổi

90 mcg

90 mcg

   

Từ 4–8 tuổi

90 mcg

90 mcg

   

Từ 9–13 tuổi

120 mcg

120 mcg

   

Từ 14–18 tuổi

150 mcg

150 mcg

220 mcg

290 mcg

Từ 19 tuổi trở lên

150 mcg

150 mcg

220 mcg

290 mcg

 

Các nguồn Iod từ thực phẩm

Thức ăn

mcg/ serving

%DV*

Rong biển

16 - 2,984

11% - 1,989%

Cá thu, cá tuyết nướng (90gr)

99

66%

Yogurt ít béo (1 cup)

75

50%

Muối iod, 1.5 g

71

47%

Sữa gầy (230 gr)

56

37%

Cá biển (90 gr)

54

36%

Cocktail trái cây (1/2 chén)

42

28%

Tôm , 3 ounces

35

23%

Kem, Sôcôla, 1/2 chén

30

20%

Trứng (1 trái)

24

16%

Cá ngừ ngâm dầu 3 ounces

17

11%

Bắp 1/2 chén

14

9%

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM