5 mức thuế suất giá trị gia tăng cho cùng một sản phẩm nghêu

(vasep.com.vn) Hiệp hội VASEP nhận được phản ánh của một số DN hội viên bao gồm cả văn bản số 30/2017/CV-HN/KT ngày 15/6/2017 nêu vướng mắc 5 thuế suất GTGT cho cùng một sản phẩm của Cty TNHH Hải Nam (tỉnh Bình Thuận). Theo đó, doanh nghiệp nộp thuế theo phương thức kê khai đang gặp nhiều vướng mắc về thuế trong mua-bán các sản phẩm thủy sản sơ chế phải qua công đoạn luộc/hấp (như nghêu, ghẹ thịt ,..). Cụ thể với sản phẩm nghêu vỏ, thịt (dạng hấp, luộc – sơ chế) sản xuất trong nước và nhập khẩu (có đặc điểm, quy trình sản xuất như nhau) bị áp thuế suất GTGT rất khác nhau. Cụ thể:

Thuế suất GTGT đầu vào của nghêu luộc (sơ chế - mục đích là để tách vỏ, lấy thịt ra)

Doanh nghiệp mua nghêu luộc của các đơn vị trong nước: không tính thuế (Theo khoản 5 điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT).

Doanh nghiệp nhập khẩu nghêu luộc nói trên, Hải quan tính thuế thuế GTGT 10%, theo biểu thuế nhập khẩu nghêu luộc xếp vào nhóm Động vật giáp xác đã được chế biến hoặc bảo quản (1605). Trong khi hướng dẫn của Tổng cục Thuế hiện hành nghêu luộc thuộc nhóm “Thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường” thuế suất thông thường là (5%).

Ngoài ra điều 5 luật thuế GTGT đã quy định rõ đối tượng không chịu thuế là: “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu”, tuy nhiên Hải quan vẫn tính thuế GTGT nghêu luộc 10%.

Thuế suất GTGT đầu ra nghêu luộc (sơ chế) nói trên (sau khi phân loại đóng gói bán ra)

Đơn vị bán nghêu luộc cho các doanh nghiệp, HTX khâu kinh doanh thương mại không kê khai tính thuế, bán cho đối tượng khác thuế suất 5% (hoàn toàn không phân biệt nguồn gốc từ nhập khẩu/hay SX trong nước). Theo khoản 5 điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC về đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT “Thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT”. Văn bản 3515/TCT-CS ngày 8/8/2016 và 4508/TCT-CS ngày 29/09/2016 của Tổng cục thuế đã khẳng định lại và giải thích rõ.

Nhưng cũng sản phẩm nghêu luộc trên nếu nhập khẩu, Hải quan áp thuế GTGT 10% (do xếp vào sản phẩm đã qua chế biến) thì bán ra cũng phải tính 10%. Theo Thông tư 83/2014/TT-BTC Khoản c Điều 4 Hướng dẫn chung về áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo danh mục Biểu thuế giá trị gia tăng: “Trường hợp không phải là sản phẩm qua sơ chế thông thường nêu tại điểm a khoản này thì xác định là loại đã qua chế biến và thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% thống nhất ở khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại ”.

Với cách trên, cùng 1 sản phẩm “Nghêu luộc” doanh nghiệp bán ra có thể có 5 thuế suất khác nhau: 1. Không chịu thuế (tự nuôi trồng bán ra); 2. Không tính thuế (bán cho doanh nghiệp HTX); 3. Thuế 0% xuất khẩu; 4. Thuế 5% nghêu sản xuất trong nước bán cho đối tượng khác. 5. Thuế 10% (Với nghêu có nguồn gốc nhập khẩu) .

Doanh nghiệp hỏi trực tiếp, Cơ quan Thuế và Hải quan hướng dẫn như sau:

Phòng hỗ trợ tuyên truyền của Cục thuế TP.HCM trả lời phù hợp với các đơn vị đang áp dụng (thuế suất GTGT nghêu luộc đơn vị mua bán với doanh nghiệp khác đều thuộc đối tượng không tính thuế) và cho rằng Hải quan tính thuế 10% (nghêu luộc sơ chế nói trên) không phù hợp với tinh thần văn bản 3515/TCT-CS ngày 8/8/2016 và qui định luật thuế GTGT đối với các sản phẩm thủy sản sơ chế.

Hải quan TP.HCM và Hải quan địa phương trả lời: thuế suất GTGT 10% theo đúng biểu thuế GTGT hàng nhập khẩu. Còn văn bản hướng dẫn của Tổng cục thuế nói trên không áp dụng với hàng nhập khẩu & văn bản này không được gửi cho Hải quan.

Cơ quan thuế địa phương hướng dẫn thêm: nghêu luộc bán ra phải tách riêng nguồn nhập khẩu thuế GTGT 10%, nguồn sản xuất trong nước 5%. Tương tự, Siêu thị bán ra cùng một mặt hàng cũng phải tách nguồn để áp 2 thuế suất khác nhau trên. Việc này vô cùng phức tạp dễ gây sai sót nhầm lẫn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng (nếu thêm thuế suất GTGT theo nguồn gốc). Với hướng dẫn và giải đáp khác nhau như trên của phía Cục Thuế và Hải quan, hiện các doanh nghiệp vô cùng bối rối với mê cung thuế suất và sự không thống nhất nói trên.

Tuy nhiên, Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định “Trong quá trình thực hiện, nếu có trường hợp mức thuế giá trị gia tăng tại biểu thuế suất thuế GTGT theo Danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp mức thuế GTGT áp dụng không thống nhất đối với cùng một loại hàng hoá nhập khẩu và sản xuất trong nước thì cơ quan thuế địa phương và cơ quan Hải Quan địa phương báo cáo về Bộ Tài chính để được kịp thời hướng dẫn thực hiện thống nhất”.

Với mong muốn có văn bản thống nhất để DN thực hiện đúng về thuế suất GTGT nhóm hàng thủy sản nói trên, ngày 27/6/2017, VASEP đã gửi Công văn số 80/2017/CV-VASEP đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thống nhất cho Hải quan và Cục thuế địa phương, phù hợp tính chất hàng hóa đã được Bộ Nông nghiệp PTNT và Bộ Tài chính xác định động vật giáp xác 3 luộc hấp nói trên thuộc nhóm “Thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường” thuế suất GTGT phổ thông là 5%.

Bổ sung ghi chú trong biểu thuế XNK hiện hành đối với nhóm 1605 “Riêng: Động vật giáp xác có mai, vỏ đã hấp chín hoặc luộc chín, thuộc dạng sơ chế để bảo quản chưa thích hợp dùng làm thức ăn cho người VAT: 5%” đảm bảo phù hợp giữa Thông tư 219/2013/TTBTC, Thông tư 83/2014/TT-BTC, biểu thuế xuất nhập khẩu và các hướng dẫn của Tổng cục Thuế hiện hành, làm căn cứ áp dụng thống nhất giữa Hải quan và cơ quan Thuế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM