(vasep.com.vn) Xuất khẩu tôm vững đà đi lên trong 2 tháng đầu năm; Giá tôm nguyên liệu của Thái Lan giảm trong tuần thứ hai của tháng 3/2022; Giá tôm nguyên liệu của Trung Quốc tăng do nguồn cung thấp; Doanh nghiệp gặp khó khăn vì công nhân bị COVID-19 tăng cao.
Xuất khẩu tôm vững đà đi lên trong 2 tháng đầu năm. Xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh... trừ thị trường Nga, XK giảm do bị gián đoạn trước tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong cơ cấu sản phẩm tôm XK của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, XK tôm chân trắng và tôm sú tăng trưởng 2 con số, lần lượt là 49% và 54%. XK chỉ giảm đối với một số sản phẩm tôm biển. XK tôm sú chế biến (mã HS 16) tăng trưởng mạnh nhất 119%. Dự báo, XK tôm tiếp tục tăng trưởng khoảng 40% trong tháng 3/2022 nhờ nhu cầu thị trường đang mạnh, XK cả năm dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021. Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục trong thời gian qua, khiến phí vận tải tăng, ảnh hưởng nhiều tới chi phí sản xuất và lợi nhuận của DN.
Đầu tư đường ống ngầm nghìn tỷ lấy nước biển nuôi tôm công nghệ cao tại Kiên Giang. Hệ thống đường ống ngầm khổng lồ lấy nước biển xa bờ, sạch và độ mặn cao phục vụ nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao với diện tích hàng nghìn ha.
Ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết chuỗi giá trị tôm rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau chủ trì, phối với các đơn vị có liên quan trao đổi, thống nhất tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện liên kết chuỗi giá trị tôm rừng đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế giữa doanh nghiệp và hộ dân liên quan trong vùng nuôi tôm – rừng mà tiểu dự án 8 thuộc Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắc là dự án ICRSL) đang triển khai tại tỉnh Cà Mau.
Giá tôm nguyên liệu của Thái Lan giảm trong tuần thứ hai của tháng 3/2022. So sánh giá tôm của các nước sản xuất chính, giá tôm cỡ 60 con của Thái Lan tiếp tục đứng thứ hai. Giá tôm Trung Quốc cao nhất, đạt 10,43 USD/kg trong tuần 8. Giá tôm cùng cỡ tại Indonesia ổn định ở mức 4,89 USD/kg trong tuần 10 trong khi giá tôm cỡ 50/60 và 60/70 của Ecuador tiếp tục đạt thấp nhất, giảm nhẹ xuống 3,80 USD/kg và 3,50 USD/kg.
Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu 3 công ty tôm của Ecuador. Giữa tháng 3/2022, Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu từ 3 công ty tôm của Ecuador sau khi phát hiện dấu vết của coronavirus trên bao bì sản phẩm.
Cẩn trọng khi tăng nuôi tôm và cá tra xuất khẩu. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực nuôi tôm và cá tra lớn nhất cả nước, phần lớn dành cho xuất khẩu. Từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với tín hiệu vui khi giá các loại thủy sản này tăng cao, còn có những vấn đề vướng mắc cần được giải quyết để ngành Thủy sản phát triển bền vững trong thời gian tới. Tỷ lệ nuôi tôm công nghệ cao, chất lượng tốt mới chỉ chiếm 10% tổng diện tích nuôi thả. Người nuôi còn dùng nhiều kháng sinh, hóa chất… khi nuôi nên chưa chinh phục được thị trường khó tính.
Đà Nẵng: Doanh nghiệp gặp khó khăn vì công nhân bị COVID-19 tăng cao. Số công nhân ở Đà Nẵng mắc COVID-19 liên tục tăng cao trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp gặp khó khăn. Việc luôn có từ 15 - 20% công nhân phải nghỉ việc đều đặn khiến công ty gặp khó trong việc đảm bảo tiến độ sản xuất. Việc tuyển dụng nhân sự thời vụ cũng không dễ như trước đây khi lực lượng lao động từ các địa phương khác chưa mặn mà trở lại.
Giá tôm nguyên liệu của Trung Quốc tăng do nguồn cung thấp. Tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, giá tôm cỡ 60 con/kg tăng 32% từ 56 NDT/kg (8,86 USD/kg) vào 10/2 lên 74 NDT/kg hôm 11/3. Giá tôm chân trắng nuôi tại Sơn Đông, Phúc Kiến và các khu vực khác tại tỉnh Quảng Đông cũng tăng với giá tôm cỡ lớn tăng nhiều hơn so với tôm cỡ nhỏ.
3 doanh nghiệp đầu tiên được cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú. Sau bình xét, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh (gồm Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thống nhất trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm sú Cà Mau (đợt 1) cho 3 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ Hải sản Minh Phú (MINH PHU SEAFOOD Corp), Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú và Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thuỷ sản Cà Mau (CASES).
Tôm Ecuador, Indonesia tăng cơ hội cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Tôm Ấn Độ vẫn chiếm ưu thế tại thị trường Mỹ, tuy nhiên các nguồn cung khác đang tìm cách tăng khả năng cạnh tranh bằng việc tập trung vào các sản phẩm cụ thể mà thị trường Mỹ đang có nhu cầu cao, theo báo cáo của Shrimp Insights.Ấn Độ vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất đối với tôm cỡ trung bình và lớn hơn (21/25 và 26/30), chiếm 33% và 36% tổng NK của Mỹ, nhưng tỷ trọng này đang giảm do sự tăng trưởng của Ecuador và Indonesia. Xuất khẩu tôm cỡ 21/25 của Ấn Độ giảm từ 35.298 tấn vào năm 2019 còn 19.612 tấn. Trong khi, XK của Ecuador tăng từ 3.048 tấn lên 15.158 tấn và XK tôm cỡ 21/25 của Indonesia tăng từ 10.194 tấn lên 15.072 tấn.
Minh Trang