Tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm đối với các lô hàng tôm xuất khẩu giảm

Năm 2021, có 64 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, trong đó đáng chú ý là cảnh bảo về các chỉ tiêu phosphate 22 lô. Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô (chiếm 12,5%) giảm so với tỷ lệ cảnh báo năm 2020.

Chia sẻ tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 diễn ra sáng ngày 11/3, ông Lê Bá Anh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- cho hay, năm 2021, có 64 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo. Trong đó đáng chú ý là cảnh báo về các chỉ tiêu phosphate 22 lô (chiếm 34,3%), bệnh thủy sản 21 lô (chiếm 32,8%), vi sinh 9 lô (chiếm 14%), kim loại nặng 1 lô (chiếm 1,56%), ghi nhãn 2 lô (chiếm 3,12%). Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô (chiếm 12,5%) giảm so với tỷ lệ cảnh báo năm 2020 đối với nhóm chỉ tiêu này (10 lô bị cảnh báo liên quan đến hóa chất, kháng sinh chiếm 28,3% tổng số lô hàng bị cảnh báo).

xuất khẩu tôm

Về kiểm soát tạp chất trong tôm nguyên liệu, trong năm 2021, 4 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang đã thực hiện 123 đợt thanh tra, kiểm tra, phát hiện 55 cơ sở vi phạm, với trên 15 tấn tôm tang vật, xử phạt từ các cơ sở vi phạm gần 31 tỷ đồng.Về giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi trồng, trong năm 2021, Cục đã thực hiện lấy 1.768 mẫu tôm nuôi (thẻ, sú) tại 111 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả phát hiện 13 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, cụ thể: Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Ormetoprim, Enrofloxacin, SEM. Kết quả trên cho thấy, xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao. “Trong năm 2020 lấy tổng số 1.313 mẫu tôm nuôi trong chương trình giám sát, không phát hiện mẫu có tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm. Các trường hợp phát hiện vi phạm đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định tại Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT. Đồng thời, Cục đã tổng hợp, chuyển Tổng cục Thủy sản chỉ đạo, xử lý theo phân công, trách nhiệm quản lý”, ông Lê Bá Anh cho biết.

Cũng theo ông Lê Bá Anh, các lô hàng bị Trung Quốc cảnh báo liên quan đến Covid-19 đối với cá tra khá nhiều nhưng đối với tôm thì lại hạn chế. Kinh nghiệm của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm cho thấy, khâu bao gói, đưa hàng lên container được thực hiện trong phạm vi của doanh nghiệp. Đây là kinh nghiệm của ngành tôm để các ngành khác có thể học tập.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đến nay cả nước có 352 cơ sở chế biến tôm được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và có tên trong danh sách được phép xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Để thúc đẩy xuất khẩu tôm bền vững, ông Lê Bá Anh đề nghị các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu cần thúc đẩy phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng giúp giảm giá thành tôm nguyên liệu. Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Phát triển nuôi tôm hữu cơ, tôm sinh thái nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường bền vững. Chủ động nghiên cứu, nắm bắt rõ các thủ tục, cập nhật quy định của các thị trường để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu.

Đối với các địa phương, cần triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đã được phê duyệt của Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi (bao gồm tôm nuôi) theo địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở nuôi, sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về tồn dư hóa chất, kháng sinh. Đồng thời, chủ động, tích cực kiểm tra, kiểm soát tạp chất trong tôm. Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Về phía Cục sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp. Liên tục cập nhật, phổ biến về quy định/yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi. Chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc của thị trường nhập khẩu, trước mắt tập trung tháo gỡ trong xuất khẩu thủy sản nuôi, tôm nuôi nói riêng vào Trung Quốc, và Australia...

Liên quan đến kiểm soát hóa chất, kháng sinh, theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù số mẫu tôm bị cảnh báo giảm đáng kể, tuy nhiên, cũng đặt ra bài toán ngược lại đó là các doanh nghiệp chế biến cũng phải tốn rất nhiều chi phí để sàng lọc, việc này làm tăng chi phí sản xuất tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp. Do đó, các hộ nuôi trồng, các địa phương cũng cần đồng hành, tăng nuôi sạch, cùng nhau hỗ trợ các mắt xích trong chuỗi thì mới có được kết quả tốt.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm trong tháng 2/2022 đạt 237 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa kết quả 2 tháng đầu năm 2022 lên 550 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam là: Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.

(Theo báo Công thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm