Tăng tốc...

Thời điểm này các nhà máy chế biến vào giai đoạn có nhiều đơn hàng nhất, có nhiều tôm nguyên liệu nhất. Nhà máy chế biến đang tăng tốc để kịp thời cung ứng hàng cho chương trình tiêu thụ trọng điểm cuối năm và đầu năm mới ở các thị trường tiêu thụ chính như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc... Riêng Hàn Quốc và Trung Quốc đón năm mới âm lịch.

Tăng tốc trong ngành thuỷ sản, nhất là lĩnh vực tôm là ý chí và quyết  tâm của Chính phủ và ngành. Ý chí, quyết tâm đó thể hiện trong nhiều Nghị định mới đây của Chính phủ như: NĐ57(17/4/2018), NĐ98 (5/7/2018); ý chí quyết tâm đó lan tỏa tới cơ quan chức năng các địa phương; và là động lực tăng tốc trong các lĩnh vực tạo ra chuỗi giá trị con tôm; ý chí quyết tâm đó thể hiện ở chỉ tiêu phấn đấu kim ngạch xuất  khẩu tôm năm 2019 đạt 4,2 tỷ USD tăng hơn 13% so năm 2018. Đó là về lâu dài, là vĩ mô. Còn cứ đến hẹn lại về, cứ vào nửa cuối quý 3 hàng năm là các nhà máy chế biến tôm tăng tốc tranh thủ thị trường vào mùa cao điểm, tăng tốc cho hoàn thành kế hoạch hàng năm. Tăng tốc năm nay có yếu tố thuận chiều là tôm tươi nguyên liệu đủ; là đẳng cấp chế biến thâm nhập vào các thị trường cao cấp; là các hiệp định tự do thương mại đã ký kết, đáng chú ý nhất là VKFTA và VJFTA; là mức thuế sơ bộ tôm bằng 0% ở thị trường Hoa Kỳ và nhất là gần đây đã có EVFTA khiến sự thuận lợi của ngành tôm mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nhưng song song là yếu tố “giảm tốc” như giá chào bán từ tôm từ một số nước quá thấp. Thấp đến nổi các nhà máy chế biến ta mua tôm block của họ về chế biến lại còn có lợi nhiều hơn mua tôm tươi từ trong dân. Nhưng điều này không cho phép và hạn hữu xảy ra từ nay, sau khi các thị trường lớn đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, mới nhất là Hoa Kỳ. Giảm tốc còn do yếu tố rủi ro do nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát để chắc chắn ao tôm nào là tôm sạch. Giảm tốc còn do các quy định chất lượng từ các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe.

Các thị trường tiêu thụ lớn đòi hỏi những chuẩn mực trong nuôi, chế biến ngày một chặt chẽ, chi li hơn. Nuôi phải đạt chuẩn có chứng nhận như ASC hay BAP. Quy định này gây khó không nhỏ cho các nhà máy chế biến. Do tình chung nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, rất khó cho việc thực hiện các chuẩn nuôi nêu trên, do thiếu diện tích cần thiết cho các cơ sở phụ trợ, do thiếu tiền xây sửa các cơ sở kiến trúc trên khu nuôi theo quy định, do chi phí bỏ ra sẽ quá lớn trên doanh thu vì quy mô nuôi nhỏ... Cơ sở chế biến càng chịu sự khắt khe hơn.

Nếu hàng chế biến đi vào các hệ thống tiêu thụ có tên tuổi thì cơ sở chế biến không chỉ đạt HACCP mà còn BRC, còn CSR, còn các ISO... Hệ thống luật Việt khá đồng bộ về cơ bản, nhưng chi tiết còn thiếu và các nghị định, thông tư hướng dẫn giữa các Bộ ngành còn nhiều bất cập khiến việc vận dụng đôi khi không theo một hướng. Hội nhập không chỉ là lợi ích đơn thuần. Muốn tranh thủ cơ hội phải lao vào; tốn nhiều công sức, tiền bạc nhưng chưa hẳn như ý. Bởi còn nhiều điểm cần có lộ trình thay đổi với các nhà máy chế biến, không thể hoàn thiện trong khoảng thời gian ngắn, nhất là khoản trách nhiệm xã hội (CSR). Nói gì nói, trên đường vẫn đông người đi, dù biết có nhiều chướng ngại. Đó là hoàn cảnh các nhà máy chế biến tôm hiện nay.

Ngành tôm 40 năm qua ít tai tiếng chuyện “ép giá”, cơ bản tiêu thụ tôm tốt, cung nguyên liệu không vượt qua cầu. Nhất là người nuôi có nhiều kinh nghiệm hơn trong lịch thả giống, trong thu hoạch… né chuyện quá dồn tôm thu hoạch về cơ sở chế biến. Cơ bản là vậy, nhưng cũng khó tránh được chuyện tôm tươi giảm giá mạnh từ năm rồi. Đó là tác động từ bên ngoài, không thể làm khác được. Cũng may, giá tôm tươi của ta có giảm cũng chưa đến nỗi quá đáng như bên Ấn Độ, khiến đôi lúc có nhiều tin người nuôi tự vẫn vì thua lỗ lớn. Ngành tôm của ta “lì lì” đi lên trong hành trình dài, vượt bao chướng ngại, đạt mốc 1 tỷ, 2 tỷ, 3 tỷ rồi suýt soát 4 tỷ, tấn công top 3 thế giới.

Tuy nhiên, không phải chỉ “được”. Bởi “mất” cũng không nhỏ. Được là làm phát huy, tăng trưởng một thế mạnh vì đất ngập mặn nhiều, hàng triệu hecta, và có xu thế tăng thêm do biến đổi khí hậu; được là hình thành một ngành công nghiệp chế biến tiên tiến hàng đầu thế giới; được là kèm theo những ngành dịch vụ phát triển hết sức mạnh mẽ... Tất cả tạo ra hàng trăm ngàn, hàng triệu việc làm và tạo ra giá trị của cải không nhỏ. Mất là biết bao sổ đỏ đất đai, nhà cửa của người nuôi tôm đang nằm trong kho chứa các ngân hàng thương mại. Mất là biết bao thanh niên ly quê, ly nông tìm về các khu công nghiệp vì đã trắng tay vì “lỡ” một thời gắn bó con tôm! Nhưng nói gì nói, dù bao hộ nuôi phải thu hẹp công việc hoặc bán đất bỏ nghề, diện tích nuôi tôm vẫn không ngừng tăng, dù một tỉ lệ một con số hàng năm.

Vì sao có tình huống thoáng qua như nghịch lý như vậy? Bởi đất nuôi tôm nhiễm mặn, không nuôi tôm biết làm gì! Bởi nuôi tôm, nếu trời thương, có thể một lời một, có ngành nào lợi nhuận cao như vậy. Nhưng biết lúc nào “trời thương” nữa, có một cách đơn giản là cầu trời! Chỗ này nói vui một chút, các vùng nuôi tôm tiêu thụ nhang không ít!

Tăng tốc. Càng tăng tốc càng phân hóa, bởi trên đường đua không ai cũng có sức khỏe như nhau. Trong thực tế các nhà máy chế biến tôm Việt đang phân hóa khá mạnh, biết bao nhà máy mất tên, dù có lúc là doanh nghiệp hàng đầu ngành. Trong trăm nhà máy còn lại hiện tại, khoảng hai chục nhà máy đầu đàn có đẳng cấp chế biến vượt xa số còn lại. Trong số đẳng cấp này lại phân hóa về quy mô sản xuất. Nhóm nhà máy lớn này tăng tốc mạnh sẽ là một lực đẩy đáng kể cho toàn ngành. Sự phân hóa rõ ràng không chỉ là “tiêu cực”. Mặt tích cực của nó tạo ra những doanh nghiệp quy mô lớn. Những doanh nghiệp này có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu, trong việc thâm nhập các hệ thống phân phối thủy sản lớn cần có sự cung ứng đều đặn theo kế hoạch. Đó là những nhà máy có doanh số tính từ hàng trăm triệu USD trở lên như: MINH PHU SEAFOOD CORP, STAPIMEX, FIMEX VN, CASES, QUOC VIET Co.,Ltd, NHA TRANG SEAFOOD; số nhà máy này chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu tôm 2018 (Bản tin TMTS số 2-2019, trang 13) và các nhà máy quy mô kế cận như: HAVICO, VINA CLEANFOOD, THUAN PHUOC CORP, TAIKA CORP, C.P Việt Nam… Ngoài ra còn những doanh nghiệp quy mô không nhỏ như TRANG KHANH SEAFOOD, AU VUNG SEAFOOD…

Tóm lại, dù khó khăn ngày một thêm chồng chất và phức tạp; khó khăn này ngày càng lộ diện rõ nét trong hoà trình hội nhập, nhất là sau khi đất nước ta gia nhập các hiệp định song phương, đa phương lớn trên thế giới, nhưng ngành tôm thời gian qua không hề chùng bước. Cộng đồng doanh nhân tôm một mặt hoàn thiện từng bước các chuẩn mực quản trị đáp ứng các thị trường khó tính nhất; một mặt không ngừng bôn ba, tìm nơi tốt hơn mở lối cho tôm Việt bơi xa hơn. Tất cả vì nụ cười, niềm vui của hàng triệu người tham gia chuỗi giá trị con tôm, vì sự phát triển bền vững của một ngành kinh tế thế mạnh của đất nước. Tất cả cần sự đồng lòng siết tay, chung vai gánh vác và tăng tốc... bất kỳ lúc nào có thể.

TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm