(vasep.com.vn) Công ty Charoen Pokphand Foods (CPF) của Thái Lan đang nhắm tới 50% thị phần nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ của Trung Quốc trong 3 năm, sau khi hoạt động XK tôm thẻ chân trắng bố mẹ mở lại ở Trung Quốc sau 5 năm tạm dừng. Theo Robins McIntosh, Phó Chủ tịch điều hành của CPF, công ty đặt mục tiêu bán 200.000-300.000 tôm thẻ chân trắng bố mẹ cho Trung Quốc đến năm 2023, khoảng 1/2 lượng nhập khẩu ước tính của Trung Quốc.
CPF bắt đầu trưng bày giới thiệu sản phẩm vào tháng 5/2020 và bắt đầu hoạt động bán hàng trong tháng 1/2021. Công ty này đặt mục tiêu bán 100.000 con tôm bố mẹ trong năm 2021, tăng từ mức 40.000 con/năm hiện nay. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm bố mẹ lớn nhất thế giới.
CPF đã đánh mất thị phần thị trường Trung Quốc khi tạm dừng bán hầu hết các trại giống Trung Quốc vào năm 2017, một quyết định của các Giám đốc điều hành vào thời điểm đó. Lệnh cấm đã giảm thị phần của CPF trong cơ cấu nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 32% xuống chỉ còn 9%.
Khi CPF giảm thị phần, một công ty con của Charoen Pokphand Indonesia-Supplier Shrimp Improvement Systems, công ty không liên kết với CPF đã tăng thị phần nhập khẩu của Trung Quốc lên 45% trong năm 2017. American Penaeid và SyAqua cũng tăng thị phần lần lượt lên 14% và 12%.
CPF sẽ đưa tôm bố mẹ được sản xuất tại các trung tâm nhân giống của Thái Lan đến các nhà nhập khẩu được cấp phép ở Quảng Châu. Từ Quảng Châu, tôm bố mẹ - có thể có giá trên 120 USD/cặp - sẽ được phân phối đến các trại giống ở Trung Quốc. Tại các trại giống, các kỹ thuật viên bằng nghiệp vụ sẽ tạo ra hậu ấu trùng cho người nuôi tôm. McIntosh cho biết hai dòng tôm thẻ chân trắng bố mẹ của CP - CP Turbo và CP Kong - có thể tạo ra sự thúc đẩy cho ngành tôm của Trung Quốc vì khả năng chống chọi với các bệnh tôm phổ biến và tốc độ tăng trưởng nhanh.
CP Turbo có khả năng chống chịu với hội chứng tôm chết sớm, hội chứng Taura, bệnh hoại tử hạ bì và hoại tử mô máu. CP Turbo là loại tôm khỏe với tốc độ tăng trưởng tốt. CP Kong là giống sạch bệnh đặc hiệu và có khả năng kháng bệnh đốm trắng. Do đó, “dòng tôm này khác với tôm bố mẹ APE (phơi nhiễm tất cả các mầm bệnh) từ Nam Mỹ, có triệu trứng bệnh đốm trắng”, McIntosh cho biết.
CPF cũng XK tôm sú bố mẹ sang Trung Quốc với 25.000 con được XK sang đây trong năm 2020. CPF đã thu hút được những khách hàng nuôi tôm sú vì hiện nay lợi nhuận của tôm sú cao hơn so với tôm thẻ chân trắng.
"Chúng tôi đã thành công với tôm sú trong 3 năm qua với Trung Quốc là đối tác hàng đầu. Tuy nhiên, nhu cầu đang tăng lên ở Bangladesh, Malaysia và Việt Nam, thậm chí là tăng nhẹ ở Thái Lan. Tôm sú bố mẹ của chúng tôi có thể mang đến thành công trong năm nay cho công ty”, McIntosh cho biết.
(Theo undercurrentnes.com)