(vasep.com.vn) Mặc dù ASEAN chỉ đứng thứ 8 về NK tôm từ Việt Nam, nhưng đây được đánh giá là thị trường tiềm năng của tôm nói riêng cũng như thủy sản Việt Nam nói chung do giá trị XK từ Việt Nam sang thị trường này khá ổn định trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, DN XK tôm sang thị trường này cũng được hưởng những ưu đãi từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và những Hiệp định liên quan.
Tôm là nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 trong tổng XK thủy sản sang thị trường ASEAN. Trong 20 năm qua, XK tôm Việt Nam sang khối thị trường này không ổn định, tăng giảm thất thường. Năm 2004 là năm thành công nhất của tôm Việt Nam tại thị trường ASEAN với 93 triệu USD. Những năm sau đó, XK tôm của Việt Nam cũng tăng nhưng chỉ ở mức tối đa 62 triệu USD.
XK tôm Việt Nam sang ASEAN trong giai đoạn từ 2008-2018 tăng từ 24 triệu USD năm 2008 lên 58 triệu USD năm 2018.Từ 2008 đến 2013, giá trị XK tôm sang thị trường không ổn định. Năm 2014, XK tôm sang ASEAN tăng vọt nhờ giá tôm thế giới tăng. Từ 2015 đến 2018, XK tôm sang thị trường này có xu hướng tăng với giá trị XK năm sau cao hơn năm trước đó.
Bước sang năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường ASEAN có xu hướng giảm theo xu hướng giảm chung của tổng XK tôm Việt Nam đi các thị trường do giá tôm thế giới giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng. Tuy nhiên, tốc độ giảm ở mức thấp hơn so với mức giảm sâu của các thị trường NK chính khác. Quý I/2019, XK tôm Việt Nam sang ASEAN đạt 12,7 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện ASEAN đang là thị trường NK tôm đứng thứ 8 của Việt Nam, chiếm 2,1% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường.
Singapore, Phillipines, Malaysia và Thái Lan lần lượt là những thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam trong khối ASEAN. Trong quý đầu năm nay, Singapore là thị trường NK lớn nhất tôm Việt Nam trong khối chiếm thị phần áp đảo 58% tổng giá trị XK tôm Việt Nam sang ASEAN, Phillipines đứng thứ 2 chiếm 20%, tiếp đó Malaysia và Thái Lan lần lượt chiếm 20% và 13%. Trong 4 thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối ASEAN, Phillipines và Thái Lan mặc dù không phải là thị trường NK lớn nhất nhưng giá trị XK tôm Việt Nam sang các thị trường này trong những năm gần đây khá ổn định và có xu hướng tăng.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam XK sang ASEAN, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất 56%, tôm sú chiếm 30%, còn lại là tôm biển. Về quy cách sản phẩm tôm XK sang ASEAN, Việt Nam chủ yếu XK tôm tươi/sống/đông lạnh (HS 03) sang thị trường này. Giá trị XK mặt hàng này sang ASEAN chiếm 58% tổng giá trị các sản phẩm tôm XK sang thị trường này. Đây cũng là những nước phát triển về chế biến tôm XK, nên họ có nhu cầu nhập tôm nguyên liệu về để chế biến XK.
Các sản phẩm tôm chính của Việt Nam XK sang Singapore gồm tôm sú và tôm chân trắng lặt đầu, lột vỏ, bỏ đuôi, IQF đông lạnh, tôm PD, PDTO tươi đông lạnh, tôm xẻ lưng tươi, đông lạnh. Các sản phẩm tôm sú chế biến XK sang thị trường này có giá từ 10-13 USD/kg, các sản phẩm tôm chân trắng chế biến có giá từ 5-8 USD/kg.
XK tôm Việt Nam sang ASEAN có những lợi thế về thuế quan từ các Hiệp định đã được ký kết với ASEAN và đã có hiệu lực. Năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN họp tại Singapore đã quyết định thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA). Theo cam kết, các nước thành viên phải giảm thuế NK xuống 0-5% trong vòng 10 năm.
Hiệp định ATIGA được ký vào tháng 2/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, có tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) ký năm 1992.
ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.
Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện CEPT/AFTA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA. Trong ATIGA, các nước ASEAN dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN ký (các FTA ASEAN+)
Ngoài các cam kết về thuế quan, ATIGA cũng bao gồm nhiều cam kết khác như xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại, hải quan, các tiêu chuẩn và sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh dịch tễ.
Ngày 22/11/2015,tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập AEC.
AEC mở ra một khu vực thị trường chung rộng lớn với gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối, AEC tạo ra một khu vực thị trường hàng hóa chung giữa các nước ASEAN, mở ra cơ hội làm ăn kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp trong khu vực.