Xã hội hóa nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất

Với mục tiêu đa dạng hóa hình thức nuôi, giải quyết tính thời vụ trong nuôi nuôi tôm càng xanh (TCX), nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích ao nuôi không quy hoạch nuôi cá tra, đồng thời giúp người nuôi tôm trong tỉnh An Giang cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp nông nghiệp 508 triệu đồng, triển khai ở 4 huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân. Sẽ trình diễn 49 mô hình nuôi TCX, 19 lớp tập huấn kỹ thuật cho cán bộ thủy sản và nông dân. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giống thủy sản (TTGTS) tỉnh đã thả giống TCX tại 4 điểm ở các huyện: Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành (mỗi điểm 3.000m2), 30.000 con giống/điểm. Mục tiêu dự án nhằm phát triển hệ thống ao nuôi tại những nơi có điều kiện, hình thành vùng chuyên canh nuôi tôm càng xanh toàn đực (TCXTĐ) trong ao đất theo công nghệ cao nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu tôm thương phẩm ổn định, đảm bảo đủ về số lượng; tôm thương phẩm đạt chất lượng cao và có kích cỡ lớn, đáp ứng tốt thị trường tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi TCXTĐ theo công nghệ cao trên toàn tỉnh đạt 300 héc-ta.

Giám đốc TTGTS tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết: "Dự án thực hiện có ít nhất 95 kỹ thuật viên và 475 nông dân được đào tạo quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm TCX trong ao đất theo hướng công nghệ cao. 49 mô hình nuôi thương phẩm TCXTĐ trong ao đất được nuôi trình diễn tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân. Trọng lượng bình quân của tôm khi thu hoạch: ≥50g/con (trong đó 70g/con chiếm hơn 50% tổng đàn). Tỷ lệ sống 30-50%, năng suất 2,1- 2,5 tấn/héc-ta, lợi nhuận đạt trên 100 triệu/héc-ta, tỷ suất lợi nhuận trên 30%. Thời gian thực nghiệm nuôi 7 tháng/mô hình trình diễn. Dự kiến, năm 2017 - 2018 sẽ xây dựng 39 mô hình, năm 2019-2020 xây dựng 10 mô hình”.

Việc sử dụng con giống mới, hiệu quả ứng dụng công nghệ nuôi mới, sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân, giải quyết tình trạng sử dụng diện tích mặt nước thiếu hiệu quả, góp phần thúc đẩy nghề nuôi phát triển theo định hướng mới, người nuôi sử dụng con giống được sản xuất từ công nghệ mới vào quy trình nuôi thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao. Việc quy hoạch chính xác những vùng phát triển nghề nuôi sẽ góp phần to lớn trong việc phát triển nghề nuôi theo hướng ổn định và bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Để mở rộng những vùng nuôi có tiềm năng, nâng cao năng suất sản xuất và hướng tới nuôi theo công nghệ cao thì Thoại Sơn có nhiều tiềm năng cho phát triển mô hình nuôi TCXTĐ theo tiêu chuẩn VietGAP, có thể tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nâng cao kỹ thuật nuôi và tiếp nhận công nghệ nuôi mới để nâng cao năng suất và sản lượng nuôi.

Bà Trinh khẳng định: “Với định hướng xuất khẩu phải đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp số lượng lớn và quanh năm, nuôi TCXTĐ trong ao sẽ giải quyết lượng tôm thiếu hụt trong các mùa vụ. Tỉnh cũng xúc tiến nhanh thị trường tiêu thụ tính đến đầu ra sản phẩm để nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Đáp ứng các tiêu chí về quy cách xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường cần có quy hoạch cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển TCX theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững; mở rộng và phát triển đối tượng thủy sản nuôi phục vụ xuất khẩu, góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đây là một trong những mô hình nuôi tạo thêm điều kiện về việc làm và thu nhập cho người nuôi; giúp ngư dân ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, cụ thể các hộ nuôi sẽ đạt được lợi nhuận tăng thêm 30% so mô hình truyền thống trên cùng diện tích sản xuất. Tạo ra sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm từ mô hình nuôi sẽ cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận với xu hướng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn chất lượng, hướng dẫn thực hành nuôi thủy sản tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần tái cơ cấu ngành Thủy sản, hướng đến phát triển bền vững”.

An Giang hiện chỉ mới có 1 vùng nuôi tôm nguyên liệu (hơn 500 héc-ta ở huyện Thoại Sơn, với 300 héc-ta nuôi theo công nghệ cao), nhưng là nuôi tôm trên ruộng lúa và người nuôi sử dụng giống TCXTĐ theo công nghệ Israel. Việc triển khai mô hình nuôi TCXTĐ trong ao hầm có thể khuyến khích nông dân tận dụng “ao treo” đang bỏ phí.

Báo An Giang

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục