Triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017

(vasep.com.vn) Ngày 23/3/2017, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2017”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện đồng chủ trì Hội nghị.

Để cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD đến năm 2025 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị “Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam” được tổ chức tại Cà Mau ngay từ đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai nhiều biện pháp cấp bách, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được giao theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang Tham mưu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động quốc gia để đạt mục tiêu phát triển ngành tôm.

Sau khi nghe các báo cáo đề dẫn, tham luận và ý kiến thảo luận của đại biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đưa ra các kết luận như sau:

Ngay từ đầu năm 2017, tại vùng Đồng bằng Sông Cửu long, mặc dù không bị hạn mặn như cùng kỳ năm 2016 nhưng lại xuất hiện các cơn mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả nuôi, diện tích thả nuôi trong thời gian này thả chậm, tập trung vào thả thăm dò, chưa thả hết diện tích và chờ điều kiện thời tiết ổn định. So với năm 2016,tiến độ thả tôm có nhanh hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và nuôi tôm lúa tập trung mạnh hơn những tháng đầu năm, trong khi đó diện tích nuôi công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt kế hoạch mùa vụ đề ra.

Theo báo cáo của 8 tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL diện tích tôm thả nuôi đến nay khoảng 536.440 ha (tăng 52.311ha so với cùng kỳ) trong đó tôm sú là 521.480 ha,TCT là 14.960 ha, số lượng giống thả ước khoảng 24,2tỷ con (trong đó giống tôm sú là 5,2 tỷ con, giống tôm thẻ chân trắng (TCT) đã thả khoảng 19 tỷ con). Sản lượng thu hoạch là 39.419 tấn (tăng 8.898 tấn so với cùng kỳ) trong đó sản lượng tôm sú là 29.365tấn, TCT là 10.054 tấn.

Mặc dù ngay từ đầu năm, thời tiết đã có thuận lợi hơn năm trước vì không bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Tuy nhiên,  năm 2017 là năm ngành Thủy sản tiếp tục đối mặt với những thách thức do thiên tai, thời tiết, thách thức của thị trường cũng như những vấn đề nội tại của ngành cần giải quyết. Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành cần rút ra những bài học từ thực tế sản xuất ngành, trong đó tập trung các giải pháp về khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất nhằm gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các mô hình liên kết sản xuất. Thứ trưởng cho biết, bài học năm 2016 về những nỗ lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo của bà con nông dân, của các doanh nghiệp đã đạt kết quả tốt, là tiền đề cho những năm tiếp theo.

Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Cục Thú Y và các địa phương tập trung kiểm soát tốt chất lượng tôm giống; riêng 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang sớm hình thành điểm giao dịch giống thủy sản tập trung, đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất bán tôm giống tại điểm giao dịch phải tuân thủ đầy đủ các quy định về kiểm dịch và công bố chất lượng, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về khoa học công nghệ, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần tập trung kiểm soát chất lượng tôm giống, tiến hành kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất giống, giống tôm bố mẹ, xử lý nghiêm những vi phạm. Trước mắt, nhân rộng mô hình ”vèo giống” để cung cấp cho thả nuôi. Tổng kết, nhân rộng những mô hình, kinh nghiệm hay.

Cần tập trung thanh tra, kiểm tra nhằm chấm dứt tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, trong đó tập trung thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm, công khai những tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. 4 tỉnh trọng điểm trong nuôi tôm (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) cần xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện ”Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Truy xuất nguồn gốc những lô tôm bị các nhà nhập khẩu cảnh báo, minh bạch thông tin, tạo sự cạnh tranh bình đẳng.

Về nội dung kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 nhằm cụ thể hóa mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Thứ trưởng yêu cầu trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, cần đưa ra nhiều giải pháp căn cơ, trong đó tập trung đột phá về khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất để tăng sản lượng. Tận dụng tối đa lợi thế của con tôm sú Việt Nam trên thị trường thế giới, cần tạo sự khác biệt để tăng tính cạnh tranh như các sản phẩm Tôm sinh thái, Tôm – lúa, Tôm rừng... Áp dụng các giải pháp giảm giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục