Từ năm 2017 đến nay, Trạm nghiên cứu thực nghiệm Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KHCN (Sở KH&CN) tỉnh Bình Định đã nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn thủy sản và dùng xử lý ô nhiễm môi trường nước ao nuôi tôm. Quá trình thử nghiệm cho thấy hiệu quả cao.
Năm 2017, Trạm nghiên cứu thực nghiệm Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KHCN nghiên cứu ra chế phẩm sinh học dạng bột BIDI-AGRI để bổ sung vào thức ăn nuôi tôm, giúp tôm tăng sức đề kháng. Năm 2018, đơn vị tiếp tục nghiên cứu thêm chế phẩm sinh học BIDI-AQUA dạng dung dịch dùng xử lý môi trường ao nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh phát sinh. Hai loại chế phẩm này được đơn vị hỗ trợ cho 3 hộ nuôi tôm ở huyện Phù Mỹ, Phù Cát và TP Quy Nhơn thử nghiệm, đã mang lại hiệu quả.
Ông Ngô Thắng Trung, ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) có 3 ao nuôi tôm trải bạt với diện tích 2.500 m2, mỗi năm nuôi 2 vụ, mỗi vụ thả nuôi 50.000 con giống tôm thẻ chân trắng. Ông Trung áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo ngành chức năng hướng dẫn, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học được hỗ trợ để nuôi tôm. Ông nhận xét: “Sử dụng chế phẩm sinh học BIDI-AGRI, BIDI-AQUA hiệu quả thấy rõ. Dùng chế phẩm BIDI-AQUA xử lý ao nuôi thì nước ao lúc nào cũng trong; các chỉ số môi trường trong ao, như: Nhiệt độ, pH, độ kiềm, oxy hòa tan, độ mặn... đều ở ngưỡng ổn định, tôm nuôi có tỷ lệ sống cao nhờ tăng sức đề kháng. Nhờ tôm nuôi ít bị hao hụt, mỗi vụ tôi thu hoạch hơn 3 tấn tôm, thu nhập 200 triệu đồng/vụ”.
Tương tự, ông Phạm Tấn Hương, một hộ nuôi tôm ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) cũng được hỗ trợ thử nghiệm chế phẩm sinh học để nuôi tôm trong ao trải bạt, cho hay: “Tôi nuôi 2 vụ tôm/năm, mỗi vụ thả nuôi 60.000 con tôm thẻ chân trắng trong 3 ao/2.400 m2. Trước khi nuôi, tôi tháo cạn nước trong ao, dọn bùn, xử lý đáy ao, phơi đáy 10 - 15 ngày rồi bón vôi cải tạo đáy, cấy nước vào ao, diệt khuẩn và thả tôm. Trong quá trình nuôi, tôi dùng chế phẩm BIDI-AQUA để gia tăng hàm lượng vi sinh vật có lợi trong ao nuôi. Còn chế phẩm BIDI-AGRI dùng trộn vào thức ăn cho tôm theo tỷ lệ 5 g chế phẩm/1 kg thức ăn, giúp tôm ít bị nhiễm các bệnh về đường ruột. Sản phẩm này dễ sử dụng nhưng rất hiệu quả, tôi mong sẽ sớm được sản xuất bán ra thị trường để người nuôi tôm sử dụng”.
Sử dụng chế phẩm sinh học và áp dụng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ương giống - nuôi thương phẩm trong 3 ao nổi xây dựng bằng sắt thép có trải bạt, 2 ao đất trải bạt để cấp nước cho ao nuôi, 1 ao đất có hệ thống lọc, xử lý nước thải, nên mô hình nuôi tôm tại xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) của anh Lê Bá Vinh, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Vinh chia sẻ: “Trung bình mỗi vụ nuôi tôi thả nuôi từ 400 - 600 nghìn con giống tôm thẻ chân trắng. Việc đầu tư hệ thống ao nổi giúp kiểm soát chặt các khâu nuôi, hạn chế rủi ro, dịch bệnh trên tôm nuôi. Cùng với đó, việc sử dụng chế phẩm sinh học BIDI-AGRI, BIDI-AQUA để nuôi tôm đã góp phần ổn môi trường ao nuôi, nâng cao chất lượng tôm nuôi”.
Qua kết quả thử nghiệm thành công, hiện Bộ KH&CN đã phê duyệt dự án cho Trạm nghiên cứu thực nghiệm Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KHCN sản xuất thử nghiệm ban đầu 2 chế phẩm sinh học BIDI-AGRI, BIDI-AQUA. Th.S Lê Hồng Linh, phụ trách Trạm nghiên cứu thực nghiệm, cho biết: “Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm để đề xuất Sở KH&CN đề nghị Bộ KH&CN cho đơn vị sản xuất với quy mô công nghiệp, cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người nuôi tôm. Bởi sử dụng sản phẩm này không chỉ giúp ổn định môi trường ao nuôi tôm mà còn xử lý ô nhiễm môi trường vùng nuôi thủy sản khác trong ao, đầm”.
(Theo báo Bình Định)