Phát triển nhãn hiệu “Tôm khô Rạch Gốc”

Ðặt tên cho đặc sản địa phương Con tôm, con cá được sơ chế thành sản phẩm khô, người dân quen gọi “tôm khô, cá khô”. Du khách đến với Cà Mau đều biết đến các địa danh có những sản phẩm khô nổi tiếng như chợ Năm Căn, chợ Sông Ðốc, chợ Phường 7 và những chợ đầu mối lớn trong tỉnh.

 Thế nhưng, màu sắc, hương vị cá khô, tôm khô lại là nhận thức của người mua; còn kiểm chứng và thông tin về chất lượng sản phẩm thì thông qua người bán; còn sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường bán - buôn do những người sản xuất nhỏ theo quy mô hộ gia đình. Rất ít ai tìm ra được nguồn gốc sản phẩm mà mình mua.

Chỉ dẫn cho người tiêu dùng, trong một thị trường đầy biến động, thì nhãn hiệu hàng hoá đang trở thành vấn đề bức xúc của nông dân làm tôm vùng Ðất Mũi. Cái tên có khả năng giúp người tiêu dùng ra quyết định lựa chọn sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Có cái tên cho sản phẩm sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất, người cung cấp dịch vụ, nhìn xa hơn nữa, nó sẽ góp phần tái tạo sản xuất và phát triển kinh tế cho nông dân.

Nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu hàng hoá, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển tích cực chủ động phối hợp với các ngành chức năng hoàn thành hồ sơ đăng ký cái tên cho con tôm khô với nhãn hiệu tập thể “Tôm khô Rạch Gốc”. Ngày 8/7/2011, tôm khô Rạch Gốc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Ðồng hành tạo thương hiệu

Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh quan tâm tìm hiểu, đã cùng nhau tập hợp, hợp tác, khai thác với mong ước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm con tôm, phục vụ mục đích phát triển kinh tế cho vùng nuôi.

Ðược thành lập với 7 hộ xã viên, Hợp tác xã sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi (ấp Tân Lập, xã Tân Ân) là một điển hình đưa nhãn hiệu “Tôm khô Rạch Gốc” bước vào các thị trường lớn. Xã viên đồng lòng đưa sản phẩm vươn xa bằng chất lượng. Sau khi khảo sát thị trường, Hội đồng Quản trị HTX đã tạo ra những sản phẩm mới như: tôm khô nguyên vỏ, sản phẩm tôm lụi, tôm xẻ lụi, tôm khô chà bông.

Với yêu cầu sản phẩm tôm khô sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế; trong đại hội HTX, xã viên đều đồng tâm sản xuất cung ra thị trường sản phẩm sạch từ khâu nguyên liệu, chế biến, đến tay người tiêu dùng đúng với lời cam kết.

Với số vốn ban đầu 300 triệu đồng, HTX tập trung đầu tư mua máy móc, thiết bị sản xuất, đổi mới công nghệ. HTX mời kỹ sư hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất sản phẩm theo quy trình sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm: kỹ thuật bảo quản tôm nguyên liệu, chế biến, rửa, luộc, phơi, sấy, đập vỏ, cắt rúng, loại bỏ gạch đầu tôm, lau bóng, phân cỡ, đóng gói theo từng loại; sử dụng nhãn hiệu, logo HTX.

HTX có trách nhiệm tạo đầu mối cung cấp tôm nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Sản phẩm giao cho khách hàng theo hợp đồng, sau khi hoàn thành chu kỳ sản xuất, xã viên trích 5% lợi nhuận nộp vào quỹ HTX để bù đắp chi phí hoàn thiện sản phẩm theo nghị quyết của đại hội xã viên.

Ðể tiện lợi trong cung - cầu, sản phẩm thành phẩm được đóng hộp đa dạng về trọng lượng, từ 100 gram, 200 gram, 300 gram, 500 gram và 1 kg, đã tạo thuận lợi cho các đại lý cung cho khách hàng theo yêu cầu. Chất lượng, đa dạng về chủng loại, đã giúp đưa sản phẩm tôm khô của HTX vào được siêu thị Saigon Co.op, Oramica, Công ty Thực phẩm 3 miền, Công ty Hải sản Kim Huệ (Cần Thơ), chợ đầu mối Bình Ðiền và hiện nay “Tôm khô Rạch Gốc” có mặt ở nhiều điểm bán trong và ngoài tỉnh.

Sau 3 năm hoạt động, tổng doanh số bán ra của HTX trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi xã viên trên 70 triệu đồng/năm, bình quân thu nhập của người lao động 3,5 triệu đồng/tháng. Ðồng hành cùng nhãn hiệu “Tôm khô Rạch Gốc”, HTX Tân Phát Lợi được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trao giấy chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu nông nghiệp, nông thôn năm 2015./.

Báo Cà Mau

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục