Nuôi tôm bằng nhà bạt giữa lòng thành phố

Chỉ trong vòng 2 năm, vừa mày mò, vừa áp dụng thử nghiệm mô hình nuôi tôm bằng nhà bạt, anh Đinh Thái Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đạt Minh Hà (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã có thể tự hào khi 2 ao tôm có diện tích 2.000m2 của mình lại cho thu hoạch tới 3 tấn tôm/vụ, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Trong giới nghiên cứu khoa học công nghệ của tỉnh, cái tên Đinh Thái Minh đã được nhiều người biết đến, bởi anh chính là người đã phát minh và được cấp bằng sáng chế độc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ cho 2 sản phẩm “Khung bạt che xe vận tải” và “Hệ thống khung bạt che than cho xà lan 1.000 tấn, kho bãi” được ngành Than áp dụng từ năm 2014. Hai sản phẩm này đã đem lại tác dụng rất lớn đối với môi trường xung quanh những khu vực khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh vì làm giảm thiểu được sự ô nhiễm của bụi than trong quá trình vận chuyển; đồng thời giúp bảo vệ, tránh thất thoát than cho các công ty.

Tiếp nối thành công đó, với mong muốn giúp ích cho những nông dân nuôi trồng thuỷ sản ven bờ có được một giải pháp hữu hiệu để đạt hiệu quả và năng suất cao hơn, giảm thiểu những thiệt hại, ảnh hưởng do tác động của thời tiết, anh lại bắt tay vào mày mò, nghiên cứu cải tiến chính sản phẩm khung che bạt của mình áp dụng vào nuôi trồng thuỷ sản mà điển hình như nuôi tôm. Nghĩ là làm, đến năm 2015, anh Minh đã tự bỏ vốn ra thuê lại khu đất rộng 2.000m2 thuộc khu vực quản lý của Lữ đoàn 170 Hải quân tại phường Hà Tu, TP Hạ Long để áp dụng thử nghiệm nghiên cứu của mình. Tại đây, với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, anh đã đầu tư 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng có diện tích 500m2/ao với đầy đủ hệ thống khung bạt che phủ do anh sáng chế để thử nghiệm. Bên cạnh đó, anh cũng mày mò tìm hiểu và tạo ra cho mình một phương thức nuôi tôm độc đáo khi áp dụng sản phẩm công nghệ sinh học có tên Probiotic chủng vi sinh 10 luỹ thừa 9 (được phép áp dụng theo Quyết định số 20 của Cục chăn nuôi do Tiến sĩ Triệu Hồng Vân, chuyên gia về vi sinh của Viện Sinh học Kobe, Nhật Bản sản xuất). Với ý chí quyết tâm và sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong việc áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chỉ trong 2 năm nuôi thử nghiệm đã cho kết quả rất khả quan. Trong 2 năm 2015 và 2016, 2 ao tôm của anh canh tác đạt sản lượng 3 tấn/1.000m2, năng suất đạt 50 con/kg và cho thu nhập ban đầu hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, với phương thức nuôi tôm bằng khung bạt che phủ kết hợp với công nghệ vi sinh của anh Minh đã bước đầu cho thấy việc nuôi tôm vào mùa đông rất khả thi, đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các vụ khác trong năm.

Mục sở thị tại khu nuôi trồng của anh Minh mới thấy để đưa từ ý tưởng vào thực tế là cả một quá trình lao động vất vả. Để tiện cho việc theo dõi và chăm sóc tôm, anh quyết định chuyển cả gia đình ra sinh sống tại bãi đất trong căn nhà được dựng lên từ 2 chiếc container. Anh tâm sự: “Mình yêu thích khoa học và hay mày mò sáng chế để làm ra những sản phẩm giúp ích được nhiều hơn cho người dân trong cuộc sống, cũng như sản xuất, kinh doanh. Như ý tưởng tạo ra 2 sản phẩm khung bạt che xe và che xà lan, kho bãi trước đây cũng là do thời đấy mình đi đường thấy các xe đất đá, xe than chạy bụi quá, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và môi trường. Còn bây giờ, mình cải tiến thành quả đó vào sản xuất kinh tế để làm lợi cho bà con nông dân, nếu thành công thì bà con sẽ có thể làm chủ được thời tiết để cây trồng, vật nuôi của mình sinh trưởng dễ dàng, cho năng suất cao”. Anh Minh cho biết thêm: Nuôi tôm bằng phương pháp nhà bạt, các ao nuôi luôn giữ được nhiệt độ ổn định khoảng 22-30 độ C để vi sinh sinh trưởng mạnh, ăn hết các tảo độc và vi khuẩn có hại trong môi trường nước, nhờ đó mà con tôm đảm bảo được sức đề kháng, tăng trưởng đều. Tuy nhiên, để đánh giá mô hình này, sẽ phải nghiên cứu thêm một thời gian nữa để hoàn thiện rồi lập hồ sơ trình Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh thẩm định, đánh giá.

Tin tưởng rằng, những nỗ lực của anh Đinh Thái Minh sẽ có được kết quả tốt và đây sẽ là mô hình giúp người nuôi tôm có thêm cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Báo Quảng Ninh 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục