Nhân tố mới trong ngành tôm Cà Mau

Khó khăn của ngành tôm Cà Mau đã qua được xác định là chỉ liên kết được đầu vào, chưa liên kết được toàn chuỗi sản xuất. Vấn đề quan trọng và tiên quyết hiện nay là hình thành liên kết chuỗi, tạo ra lực mới bằng những nhân tố mới. Và hình thức nuôi siêu thâm canh tôm công nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi mới của ngành tôm Cà Mau.

Toàn tỉnh hiện có hơn 343ha tôm nuôi theo hình thức này. Đây là con số khá khiêm tốn trong tổng số 3.000ha nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt hơn 30 tấn/ha/vụ.

Nổi bật là nuôi theo quy trình Biofloc, được Hợp tác xã (HTX) Nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước) triển khai thành công nhiều vụ qua. Quy trình này được xem là ưu việt, bởi nuôi được nhiều vụ trong năm, kiểm soát được dịch bệnh và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường; khắc phục được tình trạng tôm thẻ chân trắng thường xuyên đào bới đáy ao, dẫn đến sau một thời gian thả nuôi nguồn nước trong ao đầm bị đục, làm cho môi trường bị biến động, tiềm ẩn xảy ra rủi ro thiệt hại. Xã viên HTX đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng mua tấm bạt chuyên dùng về trải cho ao đầm nuôi tôm công nghiệp. Anh Huỳnh Diện, Chủ nhiệm HTX nảy ra ý tưởng dùng lưới mành thay thế cho bạt chuyên dùng và sáng kiến này được anh Nguyễn Văn Dương, xã viên, áp dụng thí điểm. Với diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng 1.600m2, tiền trải lưới mành tính ra giảm khoảng 1/3 chi phí so với sử dụng bạt chuyên dùng. Không dừng lại đó, anh Dương còn áp dụng hình thức thả tôm nuôi theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, anh thả nuôi trong diện tích 200m2, sau gần 1 tháng thì chuyển tôm nuôi xuống ao trải lưới mành, mật độ thả nuôi lên đến 150 con/m2, cao hơn gấp 3 lần so với ao đất. Kết quả, sau gần 3 tháng chăm sóc, tỷ lệ tôm nuôi đạt đầu con khá cao, trọng lượng trung bình 40 con/kg và cho thu hoạch được hơn 4 tấn, trừ chi phí có lãi trên 200 triệu đồng.

Thêm một mô hình nữa là khu vực nuôi tôm của Công ty N.G Việt Nam tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển hiện đang triển khai nuôi khoảng 7ha tôm siêu thâm canh và đang triển khai khu 2 khoảng 70ha tôm công nghệ cao. Giám đốc dự án, ông Hoàng Văn Hoan cho biết bắt đầu nuôi tôm từ năm 2016 với quy mô 14 ao nuôi và 7 ao vèo. Một năm qua, 4 vụ nuôi cho năng suất 6 tấn/vụ đối với ao nuôi 1.600m2. Quy trình nuôi được thiết kế thành hai giai đoạn: Nuôi vèo trong thời gian 30 ngày đầu và nuôi tăng trưởng trong thời gian từ 60 - 65 ngày. Theo ông Hoan, mô hình này không đòi hỏi phải có quỹ đất lớn, song năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại rất cao; đồng thời cho biết ở giai đoạn 2 của dự án, Công ty sẽ dành riêng 6ha để xử lý nước nhằm bảo đảm môi trường vùng nuôi một cách trong lành cho sự phát triển bền vững, lâu dài.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều khẳng định: Với những hiệu ứng tích cực ban đầu mà mô hình mang lại, tới đây ngành Nông nghiệp sẽ nắm chặt tình hình từ cơ sở, “đi” với mô hình và đồng hành với người nông dân.

(Theo báo ảnh Đất Mũi)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục