Kiên Giang: Nông dân lao đao vì không có nguồn nước mặn nuôi tôm

Do không có nguồn nước mặn để nuôi tôm, nhiều gia đình ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua con giống, cải tạo ao nuôi nhưng chất lượng nguồn nước không đảm bảo đã khiến tôm chết hàng loạt.

 Khoảng 300ha nuôi tôm của nông dân xã Bình Trị, huyện Kiên Lương đang trong tình trạng bỏ hoang. Phía trên mặt ao vẫn còn dấu tích của vôi bột, cho thấy nỗ lực của các hộ dân để cải tạo nước với hy vọng thả tôm kịp thời vụ. Thế nhưng, mọi cố gắng đều thất bại vì không có nước mặn, toàn bộ tôm thả vào ao đều bị thiệt hại hoặc chậm phát triển. Nhiều người liên tiếp thả con giống đến hai ba lần cũng không hiệu quả. Ông Lưu Văn Giỏi, ngụ ấp Núi Mây, xã Bình Trị, cho biết: Đa số bà con ở đây diện tích đất chỉ để nuôi tôm vì trồng lúa không hiệu quả. Thế nhưng, năm nay không được xả đập đưa nước mặn vào kịp thời đã làm thiệt hại cho gia đình ông hơn 30 triệu đồng từ tiền con giống, cải tạo ao nuôi.

Hiện nay gần 200 hộ gia đình nuôi tôm quảng canh kết hợp với nuôi cua ở Bình Trị rất lo lắng. Gia đình nào ít cũng có 3ha, nhiều có 10ha, có hộ 30ha. Nguồn nước mặn nuôi tôm chủ yếu lấy từ kênh chảy từ Mo So (xã Bình An) vào. Tuy nhiên, do vào vụ lúa đông xuân nhu cầu phục vụ trồng lúa, địa phương đã đóng tất cả các cống và đắp đập tạm để ngăn mặn trên các kênh. Đến nay việc thu hoạch lúa đã xong, hệ thống cống và đập vẫn không được mở, nên người nuôi tôm không có cách nào để lấy nguồn nước mặn. Theo ông Thái Văn Sơn, ngụ ấp Núi Mây, xã Bình Trị, ở vùng đất này, quy hoạch một vụ tôm, vụ lúa, thế nhưng khi thu hoạch lúa xong, người dân nơi đây nuôi tôm xin ý kiến mở đập đưa nước vào thì không được đồng ý.

Hơn 10 năm nuôi tôm, đây là năm đầu tiên những hộ dân nơi đây lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Tiền con giống và tiền cải tạo ao nuôi lên đến hàng chục triệu đồng giờ thì mất trắng. Khổ nhất là những gia đình thuê đất nuôi tôm không thể ngồi yên chờ nước mặn nên phải bỏ thêm tiền mua ống dẫn nước từ kênh "vượt đập" ngăn mặn để đưa vào ao tôm.

Nguyên nhân nữa là câu chuyện tranh chấp giữa con tôm và cây lúa một lần nữa lại xảy ra ở đây. Lần này chịu thiệt hại là những hộ nuôi tôm. Anh Nguyễn Văn Hào, ngụ ấp Núi Mây, xã Bình Trị, cho biết: Ở địa bàn có khoảng 10 hộ trồng lúa nên khi xả nước mặn thì họ kiện. Đã có quy hoạch vụ nào nuôi tôm, vụ nào trồng lúa nhưng họ không làm theo mà kiện tụng hoài, làm cho trên 200 hộ nuôi tôm ở đây cũng khó xử. Khi có kiện tụng thì cống ngăn mặn tại Mo So lại đóng, nếu vậy nguồn nước mặn không dẫn nước được vào ruộng nuôi làm cho nông dân ở đây lao đao.

Ông Trần Đức Thắng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, cho biết: Hiện nay việc vận hành một số cống trên địa bàn huyện đều phải có ý kiến từ tỉnh mới được phép đóng hay mở. Trước khó khăn của bà con nông dân nuôi tôm ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương cũng đã làm đề nghị và mở một số cống, nhưng riêng ở Bình Trị cũng đưa nước mặn vào một số ấp, riêng 300ha nuôi tôm của người dân ở ấp Núi Mây thì chưa đưa nước mặn vào được. "Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân xong, khoảng đầu tháng 3-2017, huyện đã đề nghị lên tỉnh sau đó được tỉnh thuận cho mở 4 đập để lấy nước mặn nuôi tôm. Có một số đập khi mở thì thiếu độ mặn, nhưng đến thời điểm này thì nước mặn đáp ứng tương đối diện tích nuôi tôm của bà con trên địa bàn huyện Kiên Lương nói chung và bà con xã Bình Trị nói riêng. Riêng khoảng 200 hộ dân ở ấp Núi Mây, xã Bình Trị chưa có nguồn nước mặn là do có khoảng 10 hộ không nuôi tôm mà trồng lại lúa nên hai bên cứ kiện nhau. Do vậy, khi chưa hòa giải được thì cũng không thể giải quyết việc xả mặn vào để nuôi tôm hay đắp đập ngăn mặn để người dân trồng lúa. Cứ như vậy, hằng năm địa phương cũng rất lúng túng. Khi xả đập thì người trồng lúa kiện; nếu đắp đập thì người nuôi tôm kiện…" - ông Thắng nói.

Nghịch lý trong việc phát triển con tôm và cây lúa đã tồn tại nhiều năm nay ở xã Bình Trị vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hy vọng thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ giải quyết dứt điểm nghịch lý này để hài hòa lợi ích giữa người nuôi tôm và người trồng lúa, để người nông dân không bị thiệt trong phát triển kinh tế thời gian tới.

Báo Cần Thơ

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục