Hướng đi mới cho nghề nuôi tôm

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thực hiện khá thành công mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước. Mô hình này đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm ở địa phương.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước tại ấp Tân Hiệp, xã Lợi An. Mô hình có quy mô hơn 50ha, với 48 hộ dân tham gia thực hiện. Sau 3 vụ nuôi, các hộ dân đã nắm vững các quy trình, kỹ thuật chăm sóc tôm và đạt hiệu quả kinh tế khá cao, năng suất bình quân từ 500 - 800kg/ha, lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/vụ.

So với các mô hình nuôi tôm khác, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước khá phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, do đồng vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi cũng đơn giản. Ông Lê Minh Thuấn, hộ dân tham gia mô hình, chia sẻ kinh nghiệm: “Cơ bản là chuẩn bị hầm vèo, phải cải tạo đúng quy trình. Nếu thả con giống trong hầm vèo đạt tỷ lệ cao thì cho ra ngoài mới đạt; con giống vèo khoảng 25 ngày sẽ cho ra vuông nuôi. Trong lúc vèo con giống, phải cải tạo vuông nuôi, đắp bờ bao chắc chắn, bơm nước vô cỡ 50 - 60cm mới đảm bảo cho quá trình chuyển con giống ra”.

Theo ông Hà Thiện Thống (ấp Ông Tự, xã Lợi An), ưu điểm của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước là chi phí không cao, rất dễ làm, bà con nuôi ngắt vụ được. Như gia đình ông, chỉ chọn nuôi 2 vụ chính, thời gian còn lại để cải tạo, mang lại hiệu quả cao hơn nuôi quảng canh hoặc quảng canh truyền thống.

Do mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm môi trường bền vững, ít xảy ra dịch bệnh nên hiện nay mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước được nhiều hộ dân triển khai thực hiện.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước tại ấp Tân Hiệp, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương tổ chức cho nhân dân ở các xã vùng chuyển đổi sản xuất của huyện Trần Văn Thời đến tìm hiểu thực tế, chia sẻ kinh nghiệm, nhằm triển khai nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Ông Ngô Việt Mỹ (ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc): “Tôi thấy mô hình này rất hay, vì khép kín được trong quá trình nuôi. Trước đây, người dân chưa nắm vững kỹ thuật và chưa thấy được hiệu quả nên chưa dám nhân rộng. Sau khi được tham quan, tìm hiểu thực tế và thấy được hiệu quả như thế này thì tôi và bà con sẽ nhân rộng trong thời gian tới”.

Với nhiều ưu điểm và hiệu quả kinh tế đã chứng minh, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước có triển vọng mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm, giúp người dân hạn chế rủi ro và bảo vệ môi trường nuôi tôm bền vững.

(Theo báo ảnh Đất Mũi)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục