Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Minh Phú, hiện nhu cầu mua tôm của khách hàng nước ngoài rất lớn, giá tôm tăng cao mà doanh nghiệp không thể sản xuất hết công suất do vướng nhiều quy định.
Nhà máy buộc phải giảm công suất, giá tôm giảm sâu
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và bàn giải pháp để chủ động sản xuất thủy sản do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 4/9, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú cho biết, hiện nhu cầu mua tôm của khách hàng nước ngoài rất lớn, giá tôm cũng tăng cao mà doanh nghiệp không thể sản xuất hết công suất.
Trong khi đó, giá tôm thu mua trong dân đã giảm đến 21,24% so với thời điểm đầu tháng 7.
Cụ thể, ông Lê Văn Quang cho biết, Nhà máy thủy sản Minh Phú Cà Mau hiện có 6.757 công nhân nhưng chỉ đi làm được 1.649 công nhân; nhà máy thủy sản của Minh Phú ở Hậu Giang có 5.800 công nhân nhưng hiện chỉ đi làm được 1.300 công nhân.
"Như vậy, số lượng công nhân đi làm chỉ chiếm 23,8%, đồng nghĩa với việc công suất của các nhà máy giảm" - "vua" tôm Minh Phú nêu một thực tế.
Đối với vấn đề tiêm vaccine cho công nhân, ông Quang cho biết, đến nay Minh Phú Cà Mau đã tiêm cho 6.389 công nhân, chiếm 94,53%; Minh Phú Hậu Giang mới tiêm cho 1.700 công nhân.
Theo ông Lê Văn Quang, do các nhà máy sản xuất, chế biến hầu hết phải giảm công suất hoặc buộc phải dừng hoạt động nên giá tôm nguyên liệu đã giảm mạnh.
"Nếu như thời điểm ngày 4/7, giá tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg được Minh Phú thu mua là 113.000 đồng/kg thì đến thời điểm ngày 30/8 chỉ còn 89.000 đồng/kg, giảm 24.000 đồng/kg, tương đương 21,24%. Đấy là giá Minh Phú mua của đại lý chứ đại lý thu mua của người dân thì giá còn giảm thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg do phát sinh nhiều chi phí" - ông Quang nói.
Với giá tôm như hiện nay, theo ông Quang, người nuôi tôm lỗ nặng, không thể thả tôm cho vụ sau.
"Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao cho nhà máy được sản xuất càng tối đa công suất càng tốt, hiện có tình trạng chỉ cần một nhà máy kiểm soát dịch không tốt là giãn cách toàn tỉnh. Theo tôi, đơn vị nào làm tốt thì vẫn phải cho duy trì sản xuất, không thể vì một nhà máy vi phạm phòng chống dịch mà cả tỉnh giãn cách" - ông Quang nêu quan điểm.
Nếu nhà máy hoạt động tối đa công suất, giá tôm sẽ tăng trở lại
Nói về nhu cầu của thị trường thế giới với tôm Việt, "vua" tôm Minh Phú cho biết, giá tôm thành phẩm ở nước ngoài đang tăng cao, nhu cầu rất lớn, nếu các nhà máy được hoạt động tối đa công suất giá tôm sẽ cải thiện như thời điểm ngày 4/7, thậm chí còn có thể mua cao hơn cho bà con có động lực phát triển sản xuất.
Từ thực tế đó, ông Quang kiến nghị, các địa phương cho doanh nghiệp áp dụng "1 cung đường nhiều điểm đến".
"Để nhà máy sản xuất tối đa công suất với "3 tại chỗ" là khó khả thi vì không thể có đủ chỗ ở cho công nhân, chúng tôi đã thuê hết khách sạn trên địa bàn, kể cả khách sạn 5 sao cũng không đủ chỗ cho công nhân" - ông Quang nêu một thực tế tại doanh nghiệp.
Theo ông Quang, chỉ thực hiện tốt "1 cung đường, nhiều điểm đến" mới khắc phục được, khi đó công nhân có ý thức xây dựng gia đình mình là vùng xanh, nhà máy quản lý chặt để thành nhà máy xanh bằng cách test thường xuyên, nâng cao ý thức phòng chống dịch của công nhân.
Ngoài ra, ông Quang cũng kiến nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm vaccine cho công nhân chuỗi sản xuất ngành nông nghiệp, trong đó có sản xuất thủy sản.
Đồng thời, các địa phương cũng cần linh hoạt trong việc kiểm soát người đi qua các chốt phòng chống dịch, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
"Minh Phú có một nhà máy nằm ở khu công nghiệp Nam Sông Hậu của tỉnh Hậu Giang nhưng thực tế công nhân nhiều người ở Sóc Trăng, Cần Thơ vì khoảng cách rất gần. Nhiều cán bộ của nhà máy cũng ở Cần Thơ, muốn sang nhà máy ở Hậu Giang không được, sang thì phải cách ly nên buộc phải thực hiện "3 tại chỗ". Do vậy, các địa phương cần có quy định cụ thể, linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất" - ông Quang nói.
Từ kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành ưu tiên bổ sung tiêm vaccine đầy đủ cho lao động tham gia trong chuỗi và có cơ chế phù hợp để cho sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới; hỗ trợ giảm giá điện cho hoạt động sản xuất thủy sản, đặc biệt cho nuôi trồng thủy sản.
Tiếp tục giám sát thực hiện các chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc vận chuyển sản phẩm thủy sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất thủy sản.
Khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động trong chuỗi thủy sản bị ảnh hưởng do Covid-19.
Cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý để cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư phục hồi sản xuất.
|
(Theo báo Dân Việt)