Thời gian qua, cây rau và con tôm chính là 2 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của ngành Nông nghiệp huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Tuy nhiên, trái ngược với sự phát triển của cây rau thì con tôm đang có dấu hiệu chững lại. Mặc dù hiệu quả về kinh tế vẫn ở mức cao nhưng vấn đề mở rộng diện tích và ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào nuôi tôm vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhiều mô hình mới được ứng dụng
Hiện toàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có 10 xã nuôi tôm nước lợ, lũy kế đến tháng 4/2021, diện tích tôm thả nuôi là 810ha. Trong đó, diện tích tôm thẻ chân trắng chiếm hơn 90%. Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi tôm nước lợ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi tôm cũng được các ngành chức năng quan tâm thực hiện. Đến nay, nhiều mô hình mới như nhà lưới, máy cho ăn tự động, xử lý môi trường nước bằng công nghệ nano,... được người dân ứng dụng mang lại hiệu quả cao.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc, nhằm phát triển và xây dựng vùng nuôi tôm ổn định, huyện đang xây dựng và phát triển vùng nuôi tôm ƯDCNC; hình thành các mô hình nuôi khép kín từ khâu chọn con giống, xử lý nước, thức ăn,... ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với điều kiện ở địa phương, có khả năng nhân rộng ra cộng đồng. Trong đó, điển hình là mô hình nuôi tôm nước lợ ƯDCNC tại hộ ông Vũ Hồng Hải (ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây) với diện tích ao ươm 135m2, ao nuôi 2.000m2. Khi tham gia mô hình, ông Hải được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 30% vật tư xây dựng ao ươm và 30% vật tư thực hiện ao nuôi. Sau gần 90 ngày thả nuôi, tôm có trọng lượng 35-40 con/kg, sản lượng đạt gần 4 tấn, cao hơn gấp 2 lần so với nuôi truyền thống. Ngoài ra, tôm nuôi trong mô hình cũng được cung cấp đầy đủ oxy, sức khỏe tốt hơn, ít bệnh và ít rủi ro hơn.
Ông Hải cho biết: “Mô hình thử nghiệm nuôi tôm ƯDCNC của gia đình tôi bước đầu mang lại hiệu quả khá tốt nhưng hiện nay rất khó để mở rộng do thiếu vốn. Nhiều hộ nuôi tôm xung quanh cũng muốn đổi mới cách làm nhưng còn lo ngại do chi phí đầu tư quá lớn, trình độ kỹ thuật nuôi cũng chưa cao”.
Ông Lê Tấn Nhật, ngụ xã Phước Lại, chia sẻ: “Qua quá trình đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi tôm ƯDCNC trong và ngoài tỉnh, tôi cũng muốn đầu tư thử nghiệm trên 0,5ha ao nuôi của gia đình. Tuy nhiên, với tình hình tôm nuôi gặp nhiều dịch bệnh và giá cả đầu ra bấp bênh như hiện nay thì gia đình tôi vẫn đang xem xét. Bởi, nếu đầu tư lớn mà gặp rủi ro thì việc thua lỗ sẽ lớn”.
Mở rộng diện tích còn gặp khó
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, lũy kế đến nay, toàn huyện có 304,32ha tôm nước lợ ƯDCNC, trong đó, có 32,6ha có nhà ươm, bể ươm; 225,07ha nuôi có si-phông đáy; 77,172ha có oxy đáy; 25,57ha sử dụng máy cho ăn tự động; 19,8ha sử dụng máy biến tần; 3,5ha nuôi theo công nghệ biofloc; 220,62ha nuôi theo công nghệ vi sinh. Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch nông nghiệp ƯDCNC năm 2021 và kế hoạch nông nghiệp ƯDCNC giai đoạn 2021-2025; đang hoàn chỉnh kế hoạch hỗ trợ thực hiện các điểm trình diễn mô hình nuôi tôm ƯDCNC tại các xã, góp phần bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021.
“Những năm qua, Cần Giuộc luôn là địa phương dẫn đầu về sản lượng tôm nước lợ của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích tôm nuôi và diện tích tôm ƯDCNC trên địa bàn huyện chưa thể mở rộng được. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là về quy hoạch vùng nuôi. Mặc dù Cần Giuộc là 1 trong 4 huyện thuộc vùng nuôi tôm của tỉnh nhưng hầu hết diện tích ao nuôi hiện nay đều nằm trong vùng quy hoạch để phát triển công nghiệp, người nuôi chỉ đang nuôi cầm chừng chờ dự án triển khai sẽ giao đất. Do đó, việc để người dân mở rộng hay đầu tư ƯDCNC là rất khó khăn. Cùng với đó, thời gian qua, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp (từ đầu năm 2021 đến nay, huyện có 61,5ha tôm bị thiệt hại) và đầu ra của tôm không ổn định cũng làm cho người dân lo ngại, không dám mạo hiểm đầu tư sản xuất tôm ƯDCNC” - ông Quốc cho biết thêm.
(Theo báo Long An)