Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng gặp nông dân bàn chuyện làm giàu

Ngày 25-12, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đến thăm các hộ nông dân và làm việc với 3 xã An Thới Đông, Lý Nhơn, Bình Khánh (huyện Cần Giờ) bàn về cách thoát nghèo, làm giàu. Cùng đi với đoàn có đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

 Báo cáo với đoàn về tình hình nuôi trồng thủy sản, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, toàn huyện có 2.673 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó 1.840 hộ nuôi tôm (gần 6.700 ha), 833 hộ nuôi nghêu, sò, hàu và 54 hộ nuôi cá, cua với tổng diện tích gần 8.000 ha. Trong 5 năm qua, việc nuôi trồng thủy sản có sự chuyển đổi đối tượng sản xuất, từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng; đồng thời, chuyển sang thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Tuy nhiên, sản xuất thủy sản chưa ổn định, chưa bền vững. Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, dịch bệnh trên thủy sản vẫn còn và chưa có biện pháp phòng trị hữu hiệu; Chất lượng môi trường vùng nuôi ngày càng giảm trong khi hệ thống thủy lợi chưa có kênh cấp, kênh thoát riêng biệt; Chất lượng giống thủy sản thả nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ; Công tác chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; Trong khi đó, hệ thống điện và thủy lợi tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng của nông dân.

Cũng theo ông Lê Minh Dũng, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh hiện nay còn mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu là kinh tế hộ; Các loại hình kinh tế hợp tác xã số lượng ít, quy mô nhỏ, tính tổ chức, liên kết còn yếu; Vốn đầu tư của người dân hạn chế nên ảnh hưởng đến việc ứng dụng khoa học vào sản xuất và không mạnh dạn đầu tư tái sản xuất khi gặp rủi ro; Đầu ra của các sản phẩm thủy sản, nông nghiệp thường xuyên biến động nên thu nhập của người sản xuất không ổn định.

Về nghề muối, toàn huyện có 727 hộ sản xuất với diện tích 1.671 ha. Năm 2016, huyện làm ra 140.000 tấn muối (tăng hơn 5% so với năm 2015). Tuy nhiên, giá muối bán chỉ có 300 đồng - 500 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất bình quân 613 đồng/kg nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của diêm dân.

“Từ nay đến năm 2020, huyện quyết tâm giảm diện tích muối xuống còn hơn 600 ha. Hơn 1.000 ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản và phi nông nghiệp” – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ chia sẻ.

Ông Lê Minh Dũng cũng cho biết, việc nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới cũng phải gắn với chế biến và phát triển du lịch. Nếu không gắn thì khó có thể phát triển được.

Trước buổi làm việc với lãnh đạo các xã và huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã tới thăm các hộ nông dân. Sau đó, 15 nông dân sản xuất giỏi được mời đến hội trường Trung tâm Văn hóa xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) trực tiếp trao đổi với lãnh đạo các cấp.

Ông Trần Minh Hòa (xã Lý Nhơn) đề nghị thành phố và huyện cần làm đường giao thông thuận lợi để xe tới tận ao nuôi tôm của người dân, giúp người dân bán được giá cao hơn và giảm chi phí vận chuyển. Hệ thống thủy lợi cần được tách riêng biệt, một đường cấp nước, một đường thoát nước để nuôi tôm thuận lợi, hạn chế dịch bệnh.

Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy TPHCM “Làm muối giá thành cao hơn giá bán, lại vất vả, vậy có nên làm muối nữa không?”, ông Trần Minh Hòa và một số hộ nông dân cho rằng vẫn nên làm. Các hộ nông dân khác cũng phân tích, làm muối không có lãi cao và rất cực nhọc song lại là “bà đỡ” cho nuôi tôm, cua. Nuôi tôm, cua có lãi thì lãi lớn nhưng hiện nay dịch bệnh rất nhiều, mỗi khi tôm mắc bệnh thì có khi mười phần chết mười, lỗ vốn. Những lúc như thế, nông dân chỉ còn biết trông đợi vào ruộng muối.

Nông dân Nguyễn Hoàng Bảo (xã Bình Khánh) cho rằng, việc chuyển đổi ngành nghề - từ muối sang nuôi trồng thủy sản – là rất phức tạp chứ không phải muốn đổi là đổi. Ông Bảo phản ánh, cùng trên địa bàn huyện Cần Giờ, mà lại rất nghịch mùa. Có khi thời điểm này xã Bình Khánh không nuôi tôm được nhưng xã Lý Nhơn lại nuôi được và ngược lại. Ông Nguyễn Hoàng Bảo đề nghị, huyện Cần Giờ cần có bản đồ về độ mặn, thể hiện mỗi vị trí, mỗi thời điểm có độ mặn như thế nào. Độ mặn sẽ quyết định trồng cây gì, nuôi con gì để nông dân liệu đường tính toán. Đặc biệt, huyện cần có máy xét nghiệm tôm bệnh, chứ hiện nay, nông dân muốn xét nghiệm tôm bệnh, tôm giống phải chở tôm về thành phố và phải chờ đợi từ 3 đến 5 ngày.

Qua trao đổi với người dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang đánh giá, việc phối hợp hỗ trợ nông dân giữa huyện Cần Giờ và các sở, ngành chưa đồng bộ, một số chính sách, nhất là chính sách hỗ trợ vốn, chưa tới người nông dân. Việc làm thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm đặc sản của Cần Giờ như cá dứa, muối, xoài đến nay các sở ngành và huyện vẫn chưa làm được.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Cần Giờ vẫn còn 52% hộ nghèo, cận nghèo là một tỷ lệ rất cao. Thực trạng làm muối không hiệu quả đặt ra yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Cần Giờ đang hết sức cần thiết và đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền TP. “Không thể để một TP với hơn 10 triệu dân, đang xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình mà lại để Cần Giờ nghèo. Nên TP phải tập trung vào Cần Giờ” – Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định.

Đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu huyện Cần Giờ phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, ghi nhận phản ảnh của người dân, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu các sở, ngành và huyện phải xây dựng cơ sở dữ liệu về thủy văn, độ mặn để người dân có kế hoạch sản xuất. Việc liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải hiệu quả hơn, không thể để người dân vừa lo sản xuất vừa lo thị trường. Đặc biệt, sản phẩm cá dứa Cần Giờ rất nổi tiếng mà chưa xây dựng thương hiệu, chưa đưa được vào các siêu thị như hiện nay là rất lãng phí.

Đồng chí Đinh La Thăng cũng yêu cầu các sở, ngành phải giúp huyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, làm sao trong thời gian sớm nhất, sản phẩm cá dứa Cần Giờ xuất hiện trên kệ của hệ thống phân phối của thành phố. Sở Công thương TPHCM thay vì ngồi đợi người dân kêu ca ế hàng mới xuống, thì cần phải chủ động đến với người dân, hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu huyện đa dạng hóa sản phẩm nuôi trồng đồng thời kết hợp với các sở, ngành phát triển du lịch.

Sài Gòn Giải Phóng

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục