Hơn 35 năm trong nghề tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) lần đầu tiên trải lòng về câu chuyện của Công ty đằng sau đà tăng trưởng bền vững những năm qua, mặc cho ngành tôm vẫn luôn biến động khôn lường.
“Cây đến lúc đơm hoa, kết trái”
Nói về chặng đường FMC đã trải qua và kết quả đạt được trong năm 2018, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị FMC, người gắn bó hơn 24 năm với Công ty cho rằng, đó là “quả ngọt” sau bao năm vun trồng.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,59 tỷ USD, giảm 7,1% so với năm ngoái, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt 2,48 tỷ USD, giảm 2%, tôm sú 810 triệu USD, giảm 7,8%. Kết quả này của ngành tôm nếu so với tăng trưởng chung của ngành thủy sản, nhất là so với cá tra, được nhìn nhận với mảng màu không mấy tươi sáng.
Ấy thế mà, với nỗ lực thầm lặng cùng triết lý kinh doanh bài bản, FMC ghi nhận một năm 2018 với kết quả kinh doanh vượt ngoài mong đợi. Theo ông Lực, xét chỉ tiêu tài chính năm tài chính 2018 (15 tháng kể từ tháng 10/2017 đến hết năm 2018) hay so sánh kết quả của năm 2018 với năm trước, các tỷ lệ đều vượt chỉ tiêu.
Theo đó, năm 2018, doanh số tiêu thụ vượt lần lượt 10% và 5% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận đạt 211 tỷ đồng, vượt 50% so với chỉ tiêu cả năm. Ðáng nói, Công ty chỉ mất 11 tháng để hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra năm 2018.
“Ðây là mức lãi lớn nhất trong suốt chiều dài hơn 22 năm có mặt trên thị trường của FMC”, ông Lực cho hay.
Cũng theo vị chủ tịch này, thành quả có được không phải ngẫu nhiên mà là trái ngọt sau bao năm vun trồng chăm sóc. Một tỷ lệ không nhỏ sản phẩm FMC lên kệ các siêu thị cao cấp, giá cả khá ổn định và ở mức cao nhờ vào nhiều năm nỗ lực phát triển trại nuôi tôm, thuyết phục được khách hàng về năng lực kiểm soát, cũng như truy xuất nguồn gốc tôm nguyên liệu của FMC, song song với việc tổ chức chế biến chặt chẽ, bảo đảm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự tham gia và hỗ trợ về mặt nhân lực, vật lực, tài chính, cơ sở vật chất từ những cổ đông lớn chiến lược của Công ty.
Cụ thể, sự tham gia của CTCP Hùng Vương (HVG) giai đoạn 2012 - 2017 và tiếp theo đó là CTCP Tập đoàn PAN từ năm 2017 đến nay đã giúp FMC có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi tôm, củng cố nguồn lực, từ đó gia tăng chuỗi giá trị.
Ðáng chú ý, với nguồn lực của mình, PAN đã giúp FMC thực hiện chiến lược tăng diện tích nuôi tôm trong bối cảnh đây không phải câu chuyện dễ dàng đối với doanh nghiệp trong ngành hiện nay. Nhưng đổi lại, PAN khi đầu tư vào FMC cũng đòi hỏi hệ thống quản trị chuẩn mực, tương đồng trong mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, giúp FMC phát triển nhanh nhưng bền vững.
Nói về chuỗi giá trị, ông Lực cho hay, ở FMC, Công ty định hướng tham gia chỉ một phần vào chuỗi giá trị, nhưng ở lĩnh vực mang lại nhiều giá trị và cũng là thế mạnh của công ty.
Nhìn về năm 2019, ông Lực nhận định tình hình sẽ không khác nhiều so với 2018, bởi theo dự báo, sản lượng tôm sẽ tiếp tục tăng do thời tiết thuận lợi. Trên nền tảng đó, FMC sẽ xây dựng phương án kinh doanh phù hợp và tận dụng được các cơ hội để tăng trưởng. Trong cái nhìn, bước đi dài hạn, FMC đã đề ra chiến lược phát triển tới năm 2025 với điểm nhấn quan trọng là việc mở rộng vùng nuôi.
Ðây cũng là định hướng trọng tâm nhằm đảm bảo cho kế hoạch tăng trưởng sản lượng 10 - 15%/năm. Theo đó, Công ty tập trung mở rộng vùng nguyên liệu, tăng chủ động nguyên liệu từ 10% lên 30%, song song với việc xây dựng quy trình nuôi đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Dù vậy, việc mở rộng vùng nguyên liệu là điều không dễ dàng bởi vấn đề đất đai, nhân lực và tài chính. Hiện nay, trên thị trường chưa có doanh nghiệp nào chủ động được đến mức 30%
Theo kế hoạch, để mở thêm 120 ha diện tích vùng nuôi, FMC sẽ phải huy động từ thuê đất của nông dân một phần và thuê đất công. Lợi thế của Công ty hiện nay là việc FMC là một trong số ít doanh nghiệp đã và đang làm việc với chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm giải pháp mở rộng vùng nuôi tại Sóc Trăng.
FMC và triết lý “4 không”
Thực tế, FMC luôn nỗ lực không mệt mỏi, nhiều năm mày mò, tìm ra kỹ thuật, quy trình nuôi để giảm chi phí tối đa và tăng tính an toàn chủ động. Ðó là yếu tố quan trọng giúp Công ty luôn “trúng vụ” dù thị trường ở thấp hay cao điểm.
Theo ông Lực, đã nuôi tôm phải đầu tư cho tới, nhưng triết lý đối với FMC là “không tham, không tiếc, không cả tin và không dừng lại”.
“Không tham nghĩa là không phát triển ào ào, chỉ nuôi trong khả năng. Ðã nuôi thì đầu tư cho tới. Nếu không tới thì coi như phủ nhận hết công sức trước nay bỏ ra. Ðiều đó kéo theo “không tiếc”, đầu tư cho tới thì không tiếc. Tôm là động vật thủy sinh, khó nuôi bởi dễ bị sốc nhiệt và tỷ lệ tử vong cao nếu không đầu tư kỹ thuật nuôi phù hợp”, ông Lực nói.
Bên cạnh đó, “không cả tin” là bởi thời tiết, môi trường biến động liên tục, không có quy trình nuôi nào bất biến. Có những cái đúng hôm nay, ngày mai đã lạc hậu, vì vậy phải tìm tòi những cái mới tốt hơn ở phía trước. Cuối cùng, “không dừng lại” là một khi đã lao vào nghiệp nuôi tôm, phải luôn bám sát thực tế, đồng thời phải cập nhật thông tin, kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy trình nuôi sao tốt nhất.
“Dù đã đạt được những kết quả ngọt ngào ban đầu, nhưng thành công hôm nay không đảm bảo cho chặng đường kế tiếp. Doanh nghiệp sẽ thất bại nếu sống mãi trong ngày hôm qua. Câu nói đó luôn có giá trị to lớn đối với các doanh nghiệp trong hành trình kinh doanh của mình”, ông Lực chia sẻ.
Về thị trường, năm 2018, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Tại FMC, doanh thu từ thị trường EU chiếm hơn 44% cơ cấu doanh thu và là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất. Trong khi đó, Nhật Bản và Mỹ giảm nhẹ, chiếm lần lượt 20% và 15%.
Theo ông Lực, thị trường EU tăng trưởng là do hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Tôm Việt Nam ngay lập tức gia tăng sức cạnh tranh so với tôm Thái Lan khi mức thuế giảm về 0, trong khi Thái Lan vẫn chịu thuế 20%.
Còn tại Mỹ, tăng trưởng giảm do mức độ cạnh tranh về giá cao và rủi ro thuế chống bán phá giá luôn rình rập. Thị trường Nhật cũng có phần đi xuống bởi sự tăng lên của EU, trong bối cảnh năng lực sản xuất và vùng nguyên liệu Công ty chưa thể tăng ngay theo kịp tốc độ tiêu thụ.
Ông Lực cho biết, năm 2019, trên đà tăng trưởng thuận lợi, FMC sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sang thị trường EU. Nhưng để cân bằng rủi ro, Công ty chỉ giữ tỷ trọng khoảng tối đa 50% doanh thu, dù đây là thị trường phân khúc cao cấp với giá trị gia tăng và biên lợi nhuận cao.
Khác với quan điểm của số đông khi đa phần lựa chọn con đường mở rộng thị phần bằng mở rộng thị trường, FMC lại chọn cách “yên vị” với việc chọn lọc thị trường, cũng như khách hàng.
“Hiện nay Công ty có khoảng 20 khách hàng, trong đó khách hàng lớn nhất chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của FMC. Ða phần những đối tác này và FMC có sự hiểu ý nhất định với nhau. Yếu tố chất lượng ổn định là chìa khóa quan trọng”, Chủ tịch FMC chia sẻ.
Đôi nét về ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị FMC
Ông Lực bắt đầu tham gia vào ngành chế biến tôm từ năm 1983. Vài năm sau đó, ông gia nhập FMC và bắt đầu nghiệp nuôi tôm, khi Công ty đang còn là doanh nghiệp nhà nước. Nhận thấy thế mạnh của vùng đất Sóc Trăng là nuôi tôm, ông Lực quyết định bám đuổi theo nghề và gắn bó cho đến nay.
Ðiều thú vị là trong quá trình phát triển của FMC từ khi thành lập, Công ty chưa một lần thua lỗ, dù nền kinh tế nói chung, ngành tôm nói riêng đã gánh chịu đến 2 đợt khủng hoảng tài chính lớn vào năm 1997 và gần nhất là 2007 - 2008. Hàng loạt trang trại thua lỗ, người nuôi tôm mất vốn bỏ nghề, nhưng FMC vẫn kiên trì và vững chãi đến nay.
Với ông Lực, nuôi tôm nói dễ không dễ, nhưng khó cũng không hẳn đúng. Với ông, khái niệm “công nghệ” trong nuôi tôm rất mơ hồ, vì quan trọng là “hiểu con tôm”. Nhờ kinh nghiệm đúc kết mà FMC thu nhặt qua từng mùa vụ, từng năm để có được, cùng với những giá trị cộng hưởng từ các cổ đông lớn chiến lược, FMC vẫn tiếp tục vươn con tàu ngày càng xa, với mong ước đưa con tôm Việt đến bàn ăn của mọi quốc gia trên thế giới.
|
(Theo ĐTCK)