Suy nghĩ sau một hội thảo tôm

Từ năm 2017, khí thế nuôi tôm lên cao khởi nguồn bởi cảm hứng từ Chính phủ, chốt chỉ tiêu phấn đấu cho xuất khẩu tôm đến năm 2025 và xây dựng chương trình quốc gia phát triển con tôm. “Vua tôm” cho rằng mình có thể đảm đương 20% chỉ tiêu đó. Chục bồ tôm, một anh lo hai bồ, còn cả trăm anh còn lại chỉ lo tám bồ còn lại, chuyện nhỏ! Bởi chuyện nhỏ nên các phương tiện truyền thông hồ hởi tung tin. Cách mình không xa lắm, một quốc gia nuôi tôm nổi tiếng tốt, mấy chục năm chưa bị dịch bệnh lớn, cùng tư tưởng, đưa kế hoạch đạt một triệu tấn tôm nuôi năm 2020, tính ra tăng gấp đôi trong vòng 4-5 năm.

Hoạch định là quyền riêng của từng cá nhân, tổ chức, quốc gia trong việc tính toán bước đi sao cho kết quả tối ưu, nhất là tận dụng được thế mạnh và cơ hội, mang lại nhiều lợi ích nhất cho mình. Nhu cầu tôm thế giới tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm. Không riêng Việt Nam, Ấn Độ; các cường quốc nuôi tôm khác là Ecuador và Indonesia cũng đưa chương trình thúc đẩy phát triển mạnh trong nuôi tôm. Nước nào cũng đề ra tăng trưởng 10-20% mỗi năm. Nếu các nước này đều đạt kế hoạch, mức cung thế giới sẽ tăng mạnh, vượt nhu cầu. Muốn tiêu thụ hết, chỉ còn cách tranh nhau bán giá thấp. Hệ quả, người nuôi sẽ lỗ lã. Hệ quả sâu xa phía sau đó bi đát hơn, nợ nần, phá sản…

Hai năm qua, các hoạch định nói trên có một kết quả nhất định. Các nước nói trên đều có số liệu tăng trưởng nuôi tôm. Hai năm qua giá tôm thế giới giảm khá mạnh, 10-20% so với các năm trước đó. Việc này tốt hay xấu? Người tiêu dùng có cơ hội tăng tiêu thụ một nguồn thực phẩm dinh dưỡng cao nhờ giá giảm; các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm tăng việc làm, doanh số lẫn đồng lời; các cơ sở cung ứng trong chuỗi giá trị con tôm đều hoan hỉ; chỉ trừ một mắt xích quan trọng hàng đầu không vui, người nuôi tôm. Rõ ràng sự chia sẻ giá trị thặng dư từ con tôm không sòng phẳng, không công bằng. Không ai làm trọng tài phân xử. “Bàn tay vô hình” cũng không điều chỉnh được. Bản chất thương trường bộc lộ rõ. Các DN, trước tiên chăm bẵm cho lợi ích của riêng mình!

Hôm rồi, Tổng cục Thủy sản tổ chức hội thảo ở Sóc Trăng, mời rất nhiều chuyên gia bệnh tôm để trao đổi giải pháp xử lý tình hình dịch bệnh đang tấn công các vùng nuôi tôm ĐBSCL và thiệt hại không nhỏ. Qua thông tin, biết thêm, không riêng chúng ta, trong năm 2019 này, các vùng nuôi tôm lớn trên thế giới đều trong tình trạng tương tự. Hội thảo đã nêu lên được thực trạng, các giải pháp tháo gỡ… Tuy nhiên, chỉ dừng ở biện pháp ngăn ngừa, mà chưa có phác đồ nào trị tuyệt bệnh vi bào tử trùng và bệnh phân trắng. Tình hình này, mức an toàn sinh học các vùng nuôi xuống thấp tệ hại, vì nguồn lây nhiễm chầu chực quanh các ao tôm! Suy diễn, tình hình này kéo dài, vụ nuôi phụ năm nay sẽ giảm mạnh diện tích nuôi. Sâu xa hơn, vụ nuôi chính năm sau còn bao nhiêu hộ nuôi hồ hởi lo xuống giống! Cũng tình hình này, lượng tôm cung cũng như cơ cấu cỡ tôm cung trên thế giới không như dự kiến. Giảm lượng và giảm cỡ tôm lớn. Nhờ vậy, tôm cỡ lớn ở ĐBSCL tháng qua tăng giá mạnh 10-15%, tạo một an ủi nho nhỏ cho người nuôi tôm may mắn còn tôm.

Tôm nuôi bị dịch bệnh, chắc không nằm trong hoạch định chiến lược các nước nuôi tôm nói trên. Tôm bị dịch bệnh, thiết nghĩ là một dấu lặng cần thiết, để cơ quan chức năng các quốc gia trên có thời gian suy nghĩ bài bản hơn cho một hoạch định chiến lược. Không thể tăng trưởng nuôi tôm chung chung. Tôm Việt mỗi năm tăng khoảng 5% theo báo cáo. Với mức đó, các DN tôm cố gắng một chút, có thể chế biến hết, một phần do còn công suất chế biến thừa. Nhưng nếu tôm nuôi Việt tăng khoảng 20% mỗi năm, dứt khoát xảy ra tình trạng không chế biến hết. Giá tôm sẽ giảm rất mạnh, ít nhiều tạo ra khủng hoảng khu vực nông thôn! Tôm nuôi thất, lo quá lo; tôm nuôi trúng lớn, lo càng lớn hơn! Cho nên, đừng để chậm chân, chúng ta nên xem xét một hoạch định đồng bộ hơn, giảm thiểu các tình huống bất lợi như nêu trên, cơ bản có thể là:

- Có hoạch định mở rộng và xây dựng mới cơ sở chế biến. Nên khuyến khích các cơ sở mới có quy mô lớn, đủ lực tài chánh hoạt động dài hơi.

- Có chương trình quốc gia khuyến khích, vận động xây dựng thương hiệu cho con tôm. Có thương hiệu, hy vọng sẽ dễ tiêu thụ hơn với gía tốt hơn, kể cả lúc khó khăn như cung vượt cầu. Xây dựng thương hiệu cần tiền bạc và thời gian. Đó là lý do nên khuyến khích hình thành DN lớn.

- Thương hiệu chỉ hình thành trên nền tảng có đủ tôm sạch, dễ truy xuất, có chứng nhận quốc tế. Đây là điểm cốt lõi, tạo ra sự khác biệt để xây dựng thương hiệu nhanh nhất. Muốn vậy, nên có chính sách khuyến khích nuôi trang trại, nuôi kết hợp trong tổ hợp tác, hợp tác xã… Song song nên có đất sạch xây dựng các dự án nuôi tôm kêu gọi nhà đầu tư, như tinh thần NĐ57/CP2018..

- Hệ thống cơ sở hạ tầng cần được đầu tư bổ sung, kịp thời. Như vậy, góp phần tạo thuận lợi cho người nuôi và giảm thiểu lây lan dịch bệnh, thiệt hại. Vừa qua, bệnh tôm lây lan mạnh, một phần do nuôi tự phát, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, dễ lây nhiễm chéo.

- Cần có sự quan tâm hơn trong nuôi tôm, nhất là sớm nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh để sớm có hướng dẫn, khuyến cáo, kịp thời ngăn chặn tình huống xấu và giảm thiệt hại…

- Kế hoạch đào tạo nhân lực cho nuôi và chế biến tôm.

- ...

Rõ ràng, cần làm nhiều việc và đồng bộ, chương trình quốc gia phát triển tôm Việt mới có thể thành hiện thực bền vững. Chúng ta không nhất thiết để các chỉ tiêu làm vướng bận tâm trí, chỉ nên xem là cái đích quan trọng để phấn đấu, nếu đạt thì quá tốt. Và trên đường đến, đạt cái đích đó bằng một giá rẽ nhất nhưng sao an toàn, ổn thỏa nhất. Như vậy phải nên tránh bóc ngắn cắn dài, phải có tính toán bước đi đồng bộ, như các giải pháp mạn phép nêu ra bên trên.

TS.Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm