Phát huy thế mạnh tôm sinh thái hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD

Việt Nam là một trong 6 quốc gia (Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines) có cung cấp sản phẩm tôm sú cho thị trường thế giới.

 Giải pháp bền vững

Các sản phẩm tôm sú luôn được ưu chuộng trên thế giới, đặc biệt Việt Nam có những thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Dubai và Singapore… đã ổn định hàng chục năm qua. Đặc biệt, các hệ thống chứng nhận sinh thái gắn với rừng ngập mặn như ASC, Naturland, Bio Suisse, Selva Shrimp được ưa chuộng và có giá xuất khẩu cao hơn 20-30% so với tôm nuôi thông thường.

Hiện nay, diện tích tôm-rừng vùng ĐBSCL có khoảng 200.000 ha, nhiều nhất so với các loại hình nuôi khác là quảng canh cải tiến, tôm-lúa, bán thâm canh và thâm canh. Tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã khảo sát, lập bản đồ tài nguyên đưa ra số liệu diện tích tôm-rừng (diện tích có rừng và chưa có rừng để phát triển nuôi tôm với trồng rừng, lọai trừ rừng đặc dụng và lâm phận khác).

Tại Cà Mau, hiện có khoảng 82.000ha (diện tích rừng 42.500ha và nuôi thủy sản 39.500ha) tập trung chủ yếu ở huyện Ngọc Hiển 22.875 ha, Năm Căn 7.625 ha và Phú Tân, Đầm Dơi mỗi huyện 4.000-5.000 ha; còn tỉnh Bạc Liêu có diện tích ngoài đê phòng hộ là 3.147 ha, trong đê 3.379 ha. Còn tỉnh Bạc Liêu có diện tích mặt nước nuôi tôm 6.526 ha (diện tích ngoài đê phòng hộ là 3.147 ha, trong đê 3.379 ha).

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Tỷ trọng ngành nông nghiệp của Cà Mau chiếm khoảng 30% của cả nước. Trong đó, ngành tôm, có vai trò rất quan trọng đối với địa phương. Hình thức nuôi tôm tại Cà Mau rất đa dạng, với nhiều loại hình nuôi như nuôi chuyên tôm, luân canh tôm - lúa, xen canh tôm - rừng…

Theo đó, những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng quan tâm đến việc nuôi tôm - rừng đạt chất lượng chứng nhận của quốc tế cho 19.000 ha với hơn 4.200 hộ dân, phấn đấu đến năm 2020, xây dựng chứng nhận cho tất cả diện tích tôm - rừng tại địa phương lên 30.000 ha.”.

Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng phòng hộ tại tỉnh Cà Mau

Sản phẩm tôm-rừng đang chứng tỏ lợi thế tiềm năng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng 100 cm, tỉnh Cà Mau có 57,7% diện tích bị ngập (nặng nhất là huyện Trần Văn Thời 90,02%, Cái Nước 87,62%). Còn tỉnh Bạc Liêu có 48,6% diện tích bị ngập (nặng nhất là huyện Hồng Dân 90,78%, Phước Long 73,45%). Sản phẩm tôm sú gắn với rừng ngập mặn đạt các chứng nhận quốc tế càng được ưa chuộng trên thị trường trong xu thế gia tăng nhu cầu sản phẩm nuôi hữu cơ.

Hơn thế, tôm-rừng là phương thức nuôi tôm gắn với bảo vệ rừng và trồng rừng ngập mặn, quan tâm đến tăng trưởng nguồn carbon xanh phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới. Khi mở rộng quy mô tôm-rừng với những thay đổi tích cực như đảm bảo tỷ lệ rừng ít nhất là 60% còn 40% mặt nước nuôi tôm, thì diện tích rừng ngập mặn đã tăng.  

Cần phát huy toàn diện thế mạnh

Năm 2017, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã thành lập Cty CP Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội (gọi tắt DNXH Minh Phú), với mục tiêu và định hướng hoạt động là vì xã hội và môi trường - vì cộng đồng người nuôi tôm. Từ đó, đã cải thiện được hiệu quả mô hình nuôi tôm rừng truyền thống: Tăng năng suất tôm nuôi, tạo được vùng nuôi nguyên liệu ổn định, làm tăng giá trị tôm nuôi thông qua đa chứng nhận quốc tế.

Nuôi tôm sinh tái, chất lượng tôm sạch dễ xuất khẩu thị trường các nước khó tính

Quan trọng nhất, là tăng ổn định nguồn thu nhập cho người dân nuôi tôm - rừng thông qua ‘việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng’ và chi trả ‘giá trị tăng thêm’ từ giá trị của tôm được chứng nhận sinh thái. Đến nay, ngoài 5 cổ đông sáng lập, DNXH Minh Phú đã chọn được thêm 84 hộ dân tại BQL rừng phòng hộ Nhưng Miên (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) là cổ đông với 48.640 cổ phần (10 ngàn đồng/cổ phần), với diện tích nuôi là 486,4 ha.

Ông Tô Hoài Niệm, người nuôi tôm sinh thái ngụ xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, cho hay: “Được chứng nhận diện tích nuôi sinh thái là điều kiện tốt để huyện Ngọc Hiển có được nguồn tôm nguyên liệu sạch, niềm vui của nông dân vẫn còn những trăn trở và nỗi lo nhất định, do giá cả thị trường bấp bênh, dù tôm sinh thái đạt chuẩn chất lượng được đánh giá cao hơn với con tôm thông thường…”

Theo ông Niệm, hiện nay tôm sinh thái được thương lái thu mua cao hơn với giá thị trường (15 - 20 %). Vì trước đây, khi áp dụng mô hình nuôi này, thì có doanh nghiệp cam kết thu mua với giá cao hơn được vài ngàn đồng mỗi ký. Tôi mong rằng, địa phương cần có cơ chế bảo vệ thương hiệu tôm sinh thái, giá phải cao hơn giá tôm tôm thông thường từ 15-20 ngàn đồng/kg", ông Niệm kiến nghị.

Theo tìm hiểu của PV báo NNVN, hiện nay, những hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái theo tiêu chuẩn tôm sạch, vẫn được hưởng một số quyền lợi nhất định. Sản phẩm tôm sinh thái được Cty Thuỷ sản Minh Phú bao tiêu sản phẩm, thu mua giá cao hơn so với thị trường khoảng 3 ngàn đồng/kg, đối với tôm loại 20 con/kg. Bên cạnh đó, những hộ dân khi được chứng nhận diện tích nuôi sinh thái, được Cty Minh Phú hỗ trợ con giống, trung bình 1ha được hỗ trợ tương đương khoảng 1 triệu đồng.

Nuôi tôm sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Nhiều hộ nuôi tôm sinh thái vẫn tồn tại nhiều nỗi lo. Về giá cả, con tôm sinh thái vẫn còn thấp so với công sức hộ nuôi bỏ ra. Theo Phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hiển, hiện tôm sinh thái được Cty Thuỷ sản Minh Phú thu mua với giá dao động từ 280 – 300 ngàn đồng/kg (tùy thời điểm, kích cỡ). Hiện mức giá này vẫn còn thấp, nếu cao hơn thì người nuôi rất phấn khởi, mô hình nuôi sinh thái của huyện sẽ được phát huy, con tôm sinh thái sẽ được xuất sang các thị trường khó tính.

Được biết, từ khi triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái ở huyện Ngọc Hiển, thì nông dân địa phương đồng thuận rất cao. Mục tiêu của huyện Ngọc Hiển là sớm trở thành khu vực cung cấp nguồn tôm sinh thái, đạt tiêu chuẩn tôm sạch trọng điểm của tỉnh Cà Mau.

Trước đó, năm 2018, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo ATTP. Mục tiêu của dự án là phát triển mô hình nuôi tôm sú bền vững không lạm dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo ATTP, gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm.

Theo dự án, sẽ xây dựng 24 mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo ATTP, quy mô 5 ha/mô hình đạt các chỉ tiêu kỹ thuật: Năng suất vùng hạ trên 1 tấn/ha, vùng trung và cao triều năng suất đạt trên 2 tấn/ha; cỡ thu hoạch đạt từ 40 con/kg; tỷ lệ sống trên 60%. Quá trình nuôi theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đảm bảo ATTP…

Hiện nay, diện tích tôm-rừng vùng ĐBSCL có khoảng 200.000 ha

Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đang duy trì thế mạnh về phát triển con tôm sú, đặc biệt chúng ta có lợi thế về chứng nhận tôm sú sinh thái, tôm sú hữu cơ đã có vị trí trên thị trường. Thời gian vừa qua, trong định hướng thị trường ngành tôm, ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, thì tôm sú sinh thái, tôm - rừng, tôm - lúa và tôm quảng canh là thế mạnh của ngành tôm.  

Xây dựng thương hiệu tôm sạch

Nói về hiệu quả của mô hình nuôi tôm sinh thái, ông Trần Hiếu Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Viên An, đánh giá: “Trên địa bàn xã Viên An hiện có 2THT nuôi sinh thái, với gần 100 hộ tham gia. Phần lớn mô hình nuôi tôm sinh thái của xã từ đầu năm đến nay đạt sản lượng khá, dù không trúng đậm nhưng bình quân mỗi con nước, nông dân thu hoạch gần 4 triệu đồng/ha”.

Theo ông Giang, người nuôi tôm sinh thái cho hiệu quả cao hơn so với nuôi tôm truyền thống. “Thời gian gần đây, đã bước vào cao điểm nắng nóng, nhiều hộ nuôi tôm truyền thống bị thiệt hại nặng do nắng nóng, ô nhiễm môi trường, con giống kém chất lượng…”ông Giang nói.

Người dân huyện U Minh (Cà Mau) vui mừng thu hoạch tôm sú

Anh Ngô Văn Tuấn, ngụ xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, Cà Mau), chia sẻ: "Nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái, nên những con nước đầu năm  2019, sản lượng tôm nuôi của gia đình tôi có phần tăng lên. Với 3,5 ha đất chuyên nuôi tôm, trong năm 2018 chưa có đợt nào gia đình thu hoạch được 5 triệu đồng, nhưng hiện nay nhiều con nước trúng trên 15 triệu đồng".

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết: “Mô hình này mang lại hiệu quả cao cho người nuôi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Việc quản lý tận gốc con tôm sinh thái hiện nay khó thực hiện, bởi phụ thuộc hoàn toàn vào lương tâm, trách nhiệm của người thu mua. Tôm truyền thống khó có thể đánh giá bằng mắt thường, nếu tôm sinh thái trộn vào tôm nuôi truyền thống thì cũng thành sản phẩm sinh thái. Khi truy xuất nguồn sản phẩm, tôm nhiễm bệnh, tôm tạp chất thì người nuôi sẽ chịu thiệt thòi, đó là ảnh hưởng trực tiếp về uy tín, chất lượng những hộ nuôi tôm sinh thái.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm tăng 23,6 %

Theo tìm hiểu của PV NNVN, hiện nay tôm sinh thái được thu mua cao hơn so với tôm truyền thống khoảng 10-15 ngàn đồng/kg, mỗi tháng hộ nuôi sẽ tăng thu nhập thêm gần 2,5 triệu đồng. Huyện Ngọc Hiển cần xây dựng thương hiệu độc quyền về sản phẩm tôm sinh thái vùng đất ngập mặn để người nuôi an tâm về thương hiệu, người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc của tôm thương phẩm sinh thái để chọn mua”.

Trong 9 tháng đầu năm 2109, tình hình xuất khẩu tôm tỉnh Cà Mau đạt 655 triệu USD, đạt 56% kế hoạch, sản lượng chế biến tôm đạt 108.915 tấn, bằng 75,7% kế hoạch, tăng 2,1% so cùng kỳ. Riêng, thị trường xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 9 tăng 75,9% và 9 tháng đầu năm tăng 23,6%.

(Theo NNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm