Đôi điều sau Hội chợ Thủy sản Thanh Đảo (Trung Quốc)

Bán đảo Sơn Đông đầu đông, trời trong nắng đẹp và nhiệt độ như Đà Lạt cuối năm khiến Hội chợ Thuỷ sản Quốc tế Thanh Đảo khai mạc trong không gian tưng bừng, náo nhiệt. Năm nay, hội chợ này tập trung 3 lĩnh vực: thủy sản chế biến, thiết bị nuôi trồng và thiết bị chế biến... Thời gian diễn ra hội chợ cũng là lúc các tỉnh miền Trung (Việt Nam) đang căng mình chống chọi với cơn bão số 5.

Làm ra con cá, con tôm đâu phải dễ dàng, phải hứng chịu bao rủi ro. Tin bão tới, thu hoạch hải sản nuôi khẩn cấp, chịu bán lỗ bởi lo mất trắng. Bão qua, bao tàu khai thác bị đánh chìm, hư hại; bao hoa màu, ao nuôi tan hoang theo sự vô tâm của thời tiết. Bão tan, lại hứng chịu lũ lụt vô cảm (và tất yếu vì thiếu rừng đầu nguồn) tràn về. Chín tháng đầu năm, hai sản phẩm thuỷ sản chủ lực là con tôm, cá tra đều sụt giảm doanh số xuất khấu so năm rồi. Ngoài hứng chịu tính khí thất thường của thời tiết, dịch bệnh..., thuỷ sản còn hứng chịu sự thất thường của thương trường thế giới.

Hội chợ Thuỷ sản Thanh Đảo về quy mô là đứng hàng đầu thế giới. Năm nay có 10 sảnh trưng bày với không gian đầy màu sắc tươi tắn và hoành tráng. Rất nhiều nước có gian hàng. Có nhiều nước gom các doanh nghiệp (DN) nhà tham gia vào một khu chung, tạo một ấn tượng, thu hút sự chú ý của khách dự. Có lẽ đây là một hình thức quảng bá quốc gia rẻ nhất!? Tiêu biểu như Canada, Nga, Ecuador, Ấn Độ, Peru, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Dĩ nhiên chủ nhà Trung Quốc mới là mẫu mực! Ở hội chợ Boston, Brussel các gian hàng Trung Quốc kề cận nhau luôn là khu nổi bật, nay trên sân nhà, các DN Trung Quốc càng có cơ hội biểu dương lực lượng.

Trong 8 sảnh trưng bày thuỷ sản, DN Trung Quốc chiếm hơn 5 sảnh và chắc có gần ngàn DN có gian hàng. Hai sảnh trưng bày thiết bị máy móc chế biến thuỷ sản, gần như chỉ là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, hai cường quốc tôm là Indonesia và Thái Lan vắng bóng ở đây. Có lẽ họ chưa tìm thấy lợi ích từ thị trường này.

Các DN thuỷ sản Việt “đổ bộ” Thanh Đảo khá đông. Ngoài 10 DN có gian hàng trong gian hàng chung VASEP, còn nhiều DN thuê gian hàng rải rác trong hai sảnh E2 và E3. Tiêu biểu, tôm có Minh Phú, Trang Khanh, Thanh Đoàn. Cá tra có Vĩnh Hoàn, Gò Đàng, Hùng Cá... Tính chung trên 20 DN. Trung Quốc đang kẹt thuế thuỷ sản vào Mỹ tới 25%, nên lượng cá rô phi lớn nhất thế giới của họ, chủ yếu bán qua Mỹ bị sút giảm. Đây là cá thịt trắng, cho nên cá tra mình cũng thịt trắng, tạm thời không thể tiêu thụ mạnh ở đây. Nếu thương chiến Mỹ Trung có kết quả ôn hoà, cá tra mới mạnh sức hơn vào thị trường bao la này.

Con cá tra gặp khó, giá cá tra trong nước đang dưới giá thành, nhiều ao nuôi kéo dài, cá quá lứa..., chủ ao thua lỗ. Con tôm, do thị hiếu, người tiêu dùng Trung thích tôm sau khi làm chín có màu đỏ, càng đậm càng được chuộng. Mẫu mã còn đơn giản, nguyên con là chủ yếu. Giả sử Trung Quốc có khoảng 30% dân số có thu nhập khá và cao, sẽ có khoảng 400 triệu người tiêu dùng từ trung lưu, hơn hẳn cả ba thị trường tiêu thụ thuỷ sản lớn là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Giới trung lưu có xu hướng đòi hỏi sự tiện ích của thực phẩm càng cao càng tốt. Như vậy khúc thị trường này, mẫu mã sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú... phù hợp với trình độ chế biến cao của các DN tôm Việt hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc có điểm khác ba thị trường lớn nói trên, họ là cường quốc hàng đầu về tôm, có gần ngàn nhà máy chế biến; nhập khẩu tôm sơ chế từ Ấn Độ, Ecuador, Argentina để “chăm lo” nội bộ. Tôi vào hai siêu thị, chú ý khu hải sản đông lạnh, chỉ có tôm nguyên con 400gr mỗi hộp và tôm lột vỏ 200gr do các DN Trung cung ứng. Đây cũng là mẫu mã phổ biến. Như là tất cả hải sản, kể cả cá, mực... đều chứa trong hộp có “cửa sổ” đề người mua cảm nhận sản phẩm bên trong và bao hộp bằng màng phim cho chắc chắn. Cho nên thấy vậy chưa hẳn vậy.

Trong vài năm tới, đây cũng chỉ là thị trường lớn, “đầy tiềm năng” cho tôm ta, chỉ trừ tôm sú và tôm cỡ nhỏ thì dễ bán. Như nói trên, tính ra còn gần tỉ người Trung “gần gũi” với thực phẩm bình dân. Cho nên các gian hàng khô các loại cá rẻ tiền luôn đầy ắp đối tác Trung ghé thăm. Đó là các loại khô cá cơm, cá chỉ vàng, cá mối, cá hố, cá đục, khô mực loại nhỏ... Thấy vậy chưa hẳn là vậy! Họ mua đồ rẻ tiền đó; qua quy trình chế biến chiên, sấy, tẩm gia vị, vô bao bì bắt mắt đã trở thành các món ăn chơi khá phổ biến bày bán đầy trong siêu thị, sân bay với giá không phải rẻ. Thậm chí xương các loài cá (Trung Quốc là công xưởng gia công cá phi lê cho thế giới) họ đem tẩm gia vị chiên giòn bán gói 100 gr trên 70.000 đồng. Trong khi xương cá tra mình hàng chục ngàn tấn mỗi năm chỉ làm bột cá, giá không bao nhiêu.

Hơn nhau là tầm nhìn và khả năng bắt mạch xu hướng người tiêu dùng. Về quy trình chế biến các mặt hàng này các DN Việt có thể theo kịp. Tuy nhiên, Trung Quốc tỏ vẻ lấn lướt trong lĩnh vực chế biến hàng đông lạnh khi trong hai sảnh trưng bày thiết bị, họ trình làng máy lột vỏ tôm, máy phi lê cá… Đây là công đoạn tốn rất nhiều lao động.

Ba ngày hội chợ, rất đông khách. Các nhân viên an ninh vất vả kiểm soát từng người qua thẻ đeo và thiết bị nhận diện khuôn mặt tại các cửa vào. Nhờ khuôn viên rộng, các lối đi trong các sảnh cũng rộng nên hội chợ diễn ra rất ổn thoả. Các DN ta, tuỳ uy tín, khả năng đàm phán, kết quả thu được có khác nhau. Trong bối cảnh đang khó khăn này, ai cũng kỳ vọng nhưng không thể đòi hỏi có sự đột biến. Dù sao cũng nên có lời khen, động viên các doanh nhân thuỷ sản ta bươn chải, bôn ba, vất vả không ít xứ người để tìm lối bơi rộng rãi hơn cho con tôm, con cá.

Tại khu gian hàng VIỆT NAM, hơi đơn giản nhưng khá đẹp và chu đáo do VASEP cẩn thận sắp xếp (có sự tài trợ kinh phí từ Bộ Công Thương), chị Thu Sắc - Phó chủ tịch VASEP, là “lão nữ tướng” của DN Hải Nam, chuyên cung ứng hàng khô của mình, khá tất bật qua ba ngày hội chợ tâm sự: “Giá mà tất cả DN Việt tham gia cùng chung một khu, thuỷ sản Việt sẽ được chú ý hơn, thu hút khách hơn vì quy mô, bề thế toả ra!”. Tôi nghĩ là một suy nghĩ đúng, nhất là Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia đến năm 2030, một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Xây dựng thương hiệu là một quá trình, có nhiều lối đi theo hoàn cảnh cụ thể. Nó rất khó ở điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc.

Ý kiến trên có thể là một cách cho điểm khởi đầu cho thương hiệu ngành thủy sản ít chi phí nhất. Thật ra cũng khó sắp xếp tất cả DN vào một chỗ, chỉ cần số đông tán thành. Các DN quá lớn có thể có gian hàng riêng. Nếp này thực thi ở tất cả hội chợ thuỷ sản lớn, trong vài năm sẽ có hiệu ứng tốt ngay. Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, phụ trách đoàn DN tham gia hội chợ cũng là người có nhiều kinh nghiệm đã trải qua bao hội chợ trên thế giới trong chục ngoài năm qua, cũng rất tán thành suy nghĩ này và mong được các cơ quan thẩm quyền lưu tâm, xem xét làm sớm. Tôi coi lại, tại khu gian hàng chung của Ecuador có khoảng chục DN tôm, trong đó các hãng lớn nhất đều có mặt như: Santa, Omarsa, Expalsa, Songa… Riêng Nga còn có bảng quảng cáo ghi tên toàn bộ DN tham gia treo phía trước lối vào hội chợ.

Cảm nhận, hội chợ Thanh Đảo có quy mô hoành tráng hàng đầu nhưng tính quốc tế chưa bằng hội chợ Boston, Brussel. Bởi khách quốc tế không nhiều bằng và đa phần khách chỉ nói tiếng Trung. Năm sau, hội chợ sẽ chuyển qua Hồng Đảo (Hongdao), cơ ngơi mới khánh thành, cách chỗ cũ cũng không xa. Người Trung Quốc xài sang, chỗ cũ 10 sảnh chỉ mới lấp đầy gian hàng, nay chuyển qua chỗ mới cũng 10 sảnh nhưng to hơn và 4 sảnh dự phòng. Có thêm khu khách sạn gần ngàn phòng và hệ thống nhà hàng kế bên, tàu điện ngầm từ phi trường đi ngang, có trạm ngay trước cổng. Chắc hội chợ năm sau sẽ đông đảo hơn, theo kỳ vọng của chủ nhà sẽ là hội chợ thuỷ sản có tầm vóc lớn nhất thế giới.

Nói gì nói, Thanh Đảo như các thành phố khác trên đất Trung phát triển quá nhanh trong 40 năm qua. Cái nhìn trực quan, Thanh Đảo không khác gì thành phố các nước tiên tiến. Ban đêm cuối tuần, cả khu đô thị ven biển lung linh màu sắc biến ảo liên tục hàng giờ từ hệ thống đèn gắn lên các toà nhà cao tầng san sát chạy dài cả cây số, thêm một điểm thu hút khách du lịch và một minh chứng cho sự phồn thịnh của thành phố. Thêm nữa, đi đâu cũng thấy hình vuông QR code. Tại các gian hàng hội chợ, qua đó họ giảm thiểu trưng bày cataloge; tại hàng quán không cần xài tiền mặt, thẻ tín dụng. Chỉ cần đưa cái điện thoại thông minh đã cài đặt phần mềm cần thiết áp lên cái mã kia là thanh toán nhanh chóng.

Tôi vô một ngôi đền, chùa (gọi là temple nhưng bên trong có điện thờ thần, điện thờ Phật) tại các thùng từ thiện cũng đều có cái hình vuông nhùng nhằng này. Cái ghế massage tại sân bay cũng chỉ thanh toán bằng QR code. Lên tàu điện ngầm, dãy ghế đối diện tôi là năm thanh niên nam nữ, cầm năm điện thoại và chăm bấm vô màn hình, bấm bấm liên tục. Một hình ảnh khá “hiện đại” và thiếu tính tươi tắn! Ai cũng có điện thoại cầm tay và QR code phổ biến toàn đất nước Trung, “buộc” công dân phải “ráng” theo cho kịp, kẻo trở thành lạc lõng giữa cảnh náo nhiệt nhưng tình người như có lợt lạt hơn xưa.

Nói gì nói, sự phát triển quá nhanh, đôi khi không thể chu toàn, đồng bộ. Đôi khi người ta giàu lên nhưng nét văn hoá chưa bắt nhịp kịp, trở thành khập khiễng! Dẫn chứng như ngay tại chuyện hội chợ, là có những hạt cát, không phải dưới chân, mà trong mắt, khiến sự phiền toái không nhỏ. Wifi hội chợ có như không (ở khách sạn đêm tốn khoảng 90USD cũng có tình trạng wifi tương tự. Thậm chí hai đêm khách sạn hư máy điều hoà nhiệt độ, phải mở cửa sổ mà ngủ, không thấy lời xin lỗi hay thậm chí là một thông báo!). Mình đi kinh doanh, thông tin là hàng đầu mà không liên lạc được, làm sao hài lòng. Hàng mẫu mang theo trưng bày, thủ tục hết sức phiền toái, khiến nhiều DN mang lên máy bay phải cất trong vali hành lý và không khai báo, khi nhập cảnh, ai xui thì bị tịch thu! Và những nhà vệ sinh nam cũ kỹ, hiếm hoi dọn dẹp khi đang diễn ra hội chợ đối diện với những khu gian hàng trưng bày công phu, đẹp mắt thật là một tương phản không nên có!

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm