(vasep.com.vn) Hội đồng Bộ trưởng sắp thông qua quy định mới đặt ra hạn ngạch thuế quan tự chủ (ATQs) đối với một số sản phẩm thủy sản trong giai đoạn 2021-2023. Quy định này bao gồm các loài như cá ngừ, cá minh thái Alaska, cá tuyết, cá flatfish và tôm. Theo đó, EU có thể nhập khẩu một khối lượng lớn các loài này từ các quốc gia không thuộc EU với mức thuế NK giảm hoặc bằng 0. Quy định này đang gây tranh cãi giữa các nhóm lợi ích thủy sản ở châu Âu.
Quy định nhập khẩu mới làm suy yếu đội tàu EU
Tổ chức Nghề cá Europêche và Hiệp hội các nhà chế biến thủy sản châu Âu (EAPO) đã thúc giục Hội đồng Bộ trưởng của EU cắt giảm khối lượng thủy sản miễn thuế NK vào khối, họ nhấn mạnh rằng khối lượng NK ngày càng tăng gây áp lực nặng nề lên các nhà chế biến trong khối.
Tuy nhiên, Europêche và EAPO cho biết trong nhiều trường hợp, ATQ đang được sử dụng với mục đích duy nhất là tiếp cận “thủy sản giá rẻ và tiêu chuẩn thấp” từ các đội tàu nước ngoài, và điều này lại gây áp lực lên các nhà sản xuất và việc làm của EU. Theo ước tính của 2 tổ chức này, hàng năm sẽ có thêm 60.000 tấn thủy sản NK được hưởng lợi từ quy định ATQ mới nhất.
Trong một tuyên bố chung, Europêche và EAPO nói rằng mặc dù nhu cầu về một sân chơi bình đẳng giữa EU và các nhà chế biến ngoài EU, họ không ngạc nhiên trước quyết định của Hội đồng về việc tăng hạn ngạch thuế quan và các loài mới có thể được hưởng lợi từ việc giảm thuế, vì đã có xu hướng liên tục tăng khối lượng được miễn thuế NK ở EU.
Vào năm 1992, chỉ có 6 loài với khối lượng 43.000 tấn được giảm thuế NK, nhưng EU sẽ miễn thuế cho hơn 20 loài với khối lượng 810.000 tấn trong giai đoạn 2021-2023, tăng so với khối lượng 750.000 tấn được phép NK trong giai đoạn 2019-2020.
Hai tổ chức này cho biết lĩnh vực khai thác của EU không phản đối việc áp dụng miễn thuế hợp lý đối với một số sản phẩm thủy sản không được cung cấp đủ ở EU. Tuy nhiên, trước những hậu quả kinh tế xã hội tiêu cực của ATQs đối với nghề khai thác của EU, biện pháp này không được nhằm mục đích thúc đẩy NK từ các nguồn không bền vững cũng như không gây áp lực lên giá của các nhà chế biến của EU.
“Hội đồng chỉ lắng nghe ý kiến của một số công ty chế biến của EU, những công ty muốn tiếp cận thủy sản giá rẻ từ các nước không thuộc EU không phân biệt xuất xứ hoặc cách thức sản xuất. Việc gia tăng khối lượng thủy sản miễn thuế có tác hại đến các nhà chế biến EU, những người phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về tính bền vững”, Chủ tịch Europêche, Javier Garat cho biết.
Nhấn mạnh rằng quy định ATQ mới là "một bước đi sai hướng", Garat nói EU nên hướng tới việc đạt được “một sân chơi bình đẳng thực sự trong thực tế, chứ không chỉ trên giấy”, giữa thủy sản do EU sản xuất và thủy sản được sản xuất bởi nước thứ ba.
Chủ tịch EAPO, Pim Visser cho biết các ngư dân EU đang phải đối mặt với giá cả rất thấp và sản lượng khai thác một số loài không bán được đang tăng lên do đại dịch COVID-19.
“Đã có 60% lượng thủy sản được tiêu thụ ở EU đến từ bên ngoài biên giới của chúng tôi. Trợ cấp cho NK thủy sản bổ sung từ các quốc gia không thuộc EU sẽ không chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc của thị trường EU vào NK thủy sản mà còn gây thêm áp lực lên giá cả và khiến các công ty của chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh”, Visser cho biết.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng ý. Ví dụ, Ủy ban khai thác, chế biến và thương mại cá ngừ nhiệt đới châu Âu (EUROTHON) hy vọng mức ATQ sẽ cao hơn nữa. Đầu tháng 10/2020, EUROTHON đã cảnh báo rằng những nỗ lực của các đội tàu của EU trong việc ngăn chặn sự cạnh tranh của nước thứ ba sẽ có hại cho người tiêu dùng EU và có thể ảnh hưởng đến hơn 100.000 công nhân của gần 3.500 công ty chế biến ở EU.
Uỷ ban này cho biết, nhu cầu của thị trường cá ngừ đóng hộp của EU lên tới khoảng 760.000 tấn, đòi hỏi khoảng 1,3 triệu tấn cá nguyên con mỗi năm, trong khi đội tàu khai thác của EU khai thác trung bình chỉ đạt 385.000 tấn. Hơn nữa, 60% sản lượng khai thác của EU được bán cho các nước thứ ba, chỉ 40% được cung cấp cho các nhà chế biến châu Âu dưới dạng cá ngừ nguyên con.
Vì lý do này, EUROTHON cho biết ngành chế biến EU cần tiếp cận với nguồn cung từ nước thứ ba - ATQ đối với thăn cá ngừ, đồng thời cho biết thêm rằng 30.000 tấn thăn NK ít hơn khoảng 25.000 tấn so với nhu cầu của lĩnh vực chế biến của EU.
“Hội đồng và Ủy ban châu Âu phải quyết định xem họ có muốn đảm bảo sự phát triển lĩnh vực chế biến và đầu tư ở châu Âu để sản xuất cá ngừ đóng hộp từ đây hay không, hay chuyển hướng các cơ sở sang các nước thứ ba, thúc đẩy lợi ích của họ và sau đó mất toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm cả đội tàu, bởi vì chúng tôi sẽ chẳng ích lợi gì nếu không có ngành chế biến hàng đầu thế giới”, Chủ tịch EUROTHON Juan Vieites nói.
Hiệp hội thương mại châu Âu ủng hộ tăng hạn ngạch nhập khẩu thủy sản
Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại châu Âu AIPCE-CEP, cơ quan đại diện cho các nhà chế biến, thương nhân và nhà NK thủy sản của khu vực, ủng hộ việc tăng hạn ngạch NK sắp tới do Hội đồng châu Âu đề xuất, họ cho rằng nhu cầu về an ninh lương thực và đa dạng hóa nguồn cung đã được chứng minh thông qua đại dịch.
Hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ), xác định khối lượng thủy sản mà các nhà chế biến có thể NK với mức thuế giảm hoặc thậm chí bằng 0, được thương lượng lại 3 năm một lần. Các cuộc đàm phán mới nhất được cho là sắp kết thúc, với hạn ngạch mới cho giai đoạn 2021-2023 dự kiến sẽ sớm được công bố.
Mức ATQ tiếp theo dự kiến sẽ tăng khối lượng thủy sản NK với mức thuế giảm hoặc bằng 0 vào EU lên 810.000 tấn, tăng từ mức 750.000 tấn trong giai đoạn 2019-2020.
Mức tăng này vấp phải sự chỉ trích của Tổ chức nghề cá Europeche, vì tổ chức này coi hạn ngạch mới là một phương tiện để tiếp cận với thủy sản giá rẻ được khai thác bởi các đội tàu nước ngoài không tuân theo các tiêu chuẩn quy định như ở EU.
Tuy nhiên, trong thông báo riêng của mình AIPCE-CEP đã ủng hộ việc tăng hạn ngạch mới, lưu ý rằng một số loài có nhu cầu cao đối với các sản phẩm chiên, như cá minh thái Alaska, rõ ràng không có sẵn ở EU, trong khi sản lượng các loài khác, bao gồm cá tuyết và cá ngừ, giảm "quá nhiều so với nhu cầu thị trường".
Tổ chức này cũng lập luận rằng mức ATQ tăng là cần thiết để các nhà chế biến châu Âu tiếp tục cạnh tranh với các đối tác ở châu Á và Bắc Mỹ.
“Rõ ràng, nếu các nhà chế biến phải rời châu Âu và thuê ngoài sản xuất ở các nước thứ ba vì thiếu nguyên liệu và thiếu sân chơi bình đẳng, thì giá thủy sản của các ngư dân EU sẽ thực sự chịu áp lực”, Guus Pastoor, Chủ tịch AIPCE cho biết. "Bạn sẽ có ít người mua hơn và các sản phẩm sẽ phải được vận chuyển đến các nước thứ ba để chế biến. Điều này đồng nghĩa với việc mất việc làm và mất giá trị gia tăng ở EU".
Tương tự, Pastoor tin rằng cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đã cho thấy cần phải đa dạng hóa hơn nữa các nguồn cung cho thị trường thủy sản của châu Âu.
Peter Bamberger, Chủ tịch cơ quan XNK thủy sản CEP, nói thêm rằng việc thúc đẩy NK không phải để có được nguồn cung giá rẻ mà để có thể cung cấp đầy đủ cho thị trường. "Hãy nhớ rằng, chúng ta đang nói về NK nguyên liệu thủy sản với giá trị gia tăng trong các nhà máy của chúng ta ở Châu Âu. Nếu chúng ta không thể cạnh tranh, những sản phẩm này sẽ được chế biến bên ngoài EU và sau đó được NK dưới dạng sản phẩm ăn liền".
EU cho đến nay vẫn là một thị trường thâm hụt. Theo nghiên cứu Finfish của AIPCE-CEP trong năm 2019, đối với một số sản phẩm thủy sản, mức độ phụ thuộc của EU vào nguyên liệu NK ở mức 75%-100%.