Xuất khẩu thủy sản lạc quan chờ vốn

Các chuyên gia kỳ vọng, nguồn tín dụng mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3 - 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024 sẽ được kích cầu sớm, khiến người nông dân yên tâm thả nuôi thủy sản.

Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh

Đầu tháng 7/2023, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cung cấp thông tin, lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 4,2 tỷ USD. Riêng trong tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21%.

Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, giảm 18% so với cùng kỳ, đây cũng là mức giảm thấp nhất từ đầu năm. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.

Xuất khẩu cá tra trong tháng 6 vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước đạt khoảng 156 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên…

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản. Đó là lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ… Trong khi sức khỏe và sức chịu đựng của nông ngư dân và doanh nghiệp trong nước suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, xuất khẩu.

“Những biến động về cung, cầu và lạm phát đến nay vẫn chưa có tín hiệu khả quan, nên dự báo về thị trường cũng thiếu cơ sở và độ chắc chắn. Song, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, nếu có thì sẽ phục hồi chậm”, bà Hằng nhận định.

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản. Đó là lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm. (Ảnh minh họa)

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản như lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm. 

Kỳ vọng vào vốn tín dụng

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho rằng, từ tháng 8/2023 thị trường sẽ tốt lên khi nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu trên thế giới dần phục hồi.

“Tôi được biết, Ấn Độ đang treo ao khoảng 30 - 50%. Ngoài ra Ecuador đang chịu ảnh hưởng bởi El Nino khiến hoạt động nuôi tôm không hiệu quả, tôm chết nhiều, ước tính thiệt hại 30%. Tại Việt Nam, do giá tôm thấp nên nhiều người treo ao, sản lượng giảm 30 - 50%. Do đó, tình hình tôm nguyên liệu cuối năm sẽ thiếu. Các đơn vị sẽ có cơ hội giảm bán ở hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa lễ hội cao điểm cuối năm tăng cao”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, ông Quang cũng đưa ra so sánh, hiện nay giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 - 5 USD/kg) cao gấp đôi so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg).

Điều này khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục trong các tháng vừa qua, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn ngành tôm.

Các doanh nghiệp thủy sản đang kỳ vọng tiếp cận được nguồn tín dụng để mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3 - 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi tôm có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi trong giai đoạn hiện nay thay vì treo ao.

Bảo Ngọc (Thương hiệu và Công luận)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục