Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

(vasep.com.vn) Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Chú thích ảnh

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt kế hoạch tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) tiêu thụ điện quốc gia là 9% trong giai đoạn 2021-2030, với giả định tăng trưởng GDP là 7%/năm trong cùng kỳ.

Quy hoạch điện VIII cũng tập trung vào việc chuyển đổi sang năng lượng xanh như năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) với mục tiêu chiếm 39%-47% và 72% tổng sản lượng điện lần lượt vào năm 2030 và 2050.

Quy hoạch điện VIII nêu rõ: điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển.

Về vấn đề này, theo phản ánh của các hiệp hội, ngành hàng sản xuất như dệt may, thủy sản…, sử dụng điện mặt trời áp mái có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm 10 - 30% chi phí điện. Doanh nghiệp rất muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất, ngoài lợi ích về tiết kiệm chi phí; từ đó có lợi thế nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước. Từ đó đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030; 6,5%-7,5%/năm giai đoạn 2031-2050.

Quy hoạch đặt mục tiêu kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn vào năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Kết quả này nhằm hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 theo cam kết JETP (tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng).

Đáng chú ý, quy hoạch đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng theo hướng phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5%-71,5%. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu.

Quy hoạch cũng đầu tư phát triển các nguồn điện linh hoạt để điều hòa phụ tải, duy trì ổn định hệ thống điện để hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đặt mục tiêu phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến năm 2030, hình thành hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

Quy hoạch điện VIII

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục