EVFTA: Cánh cửa đưa ngành hàng xuất khẩu tiến sâu vào thị trường EU

Kể từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống chính thức có hiệu lực. Kể từ đó, EVFTA được nhận định là cánh cửa đưa hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào thị trường khối EU tiềm năng .
EVFTA Cánh cửa đưa ngành hàng xuất khẩu tiến sâu vào thị trường EU
EVFTA được nhận định là cánh cửa đưa ngành hàng xuất khẩu tiến sâu vào thị trường EU.

Có thể nói, nhờ EVFTA, các mặt hàng nông sản của Việt Nam được nhận định sẽ tạo được lực đẩy để tiến sâu hơn vào các thị trường các nước ở khu vực Bắc Âu. Đây là một trong những FTA được doanh nghiệp (DN) tận dụng tương đối tốt để tăng cường xuất khẩu hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, sau 5 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 3,8%. Còn 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu sang EU là chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; hóa chất…

Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực. Trong đó, thuỷ sản là một trong những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu sang EU tăng đáng kể.

Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trị giá xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 đạt trên 1 tỷ USD. Tính riêng trong tháng 1/2021, trị giá xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường. Trong đó, EU là một trong những thị trường có trị giá tăng mạnh hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Trên thực tế, với các FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu đã bắt đầu tăng trưởng khả quan.

Từ ngày 1/8/2020 - 4/4/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD. DN xuất khẩu thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Giá trị hàng hóa được cấp C/O cũng như được chứng nhận xuất xứ vào EU không nhỏ, cho thấy DN trong nước đã và đang bắt nhịp áp dụng QTXX trong EVFTA. 

Để đồng hành cùng các DN tiến sâu hơn vào thị trường EU từ các mặt hàng xuất khẩu bảo đảm uy tín, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT - BCT quy định xuất xứ hàng hóa trong EVFTA gồm xuất xứ thuần túy và xuất xứ không thuần túy. Trong đó, xuất xứ thuần túy là hàng hóa có nguyên liệu và được sản xuất tại các nước thành viên tham gia hiệp định. Còn hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, chỉ có thể được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng các tiêu chí về chuyển đổi cơ bản, hạn mức nguyên liệu, công đoạn gia công, chế biến.

Theo Bộ Công thương, quy tắc xuất xứ (QTXX) này không hoàn toàn mới nhưng khá phức tạp, bởi được xây dựng và đàm phán dựa trên QTXX trong cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, lại linh hoạt trong xuất xứ với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và đang được DN nỗ lực tận dụng.

Đáng lưu ý, EVFTA cho phép một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU được cộng gộp xuất xứ như nhóm hàng dệt may, được phép cộng gộp nguyên liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay nhóm hàng thủy sản, được phép cộng gộp, sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.

Theo các chuyên gia, QTXX trong EVFTA là khá chặt, việc đáp ứng vẫn là thách thức với DN, ngay cả với DN nhóm ngành dệt may và thủy sản. Với dệt may, hiện 60% nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu được nhập khẩu từ Trung Quốc và không được hưởng ưu đãi thuế quan. Còn nhóm hàng thủy sản, các cam kết trong hiệp định làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan tới đánh bắt hải sản. Việc tuân thủ các quy tắc này có thể làm tăng chi phí sản xuất và tăng giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, áp lực này sẽ khiến DN trong nước nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất, chế biến sâu, liên kết xây dựng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để đáp ứng QTXX và hưởng ưu đãi từ hiệp định.

Bên cạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi hiệp định, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng như dệt may, da giày xây dựng chiến lược phát triển. Mục tiêu ưu tiên là phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, phát triển khâu thiết kế. Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tăng cường hỗ trợ DN Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU. Thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của DN để đảm bảo việc thực hiện QTXX, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ.

EVFTA được nhận định là cánh cửa đưa hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào thị trường khối EU tiềm năng với khoảng 500 triệu dân, mức thu nhập bình quân đầu người trên 32.000 USD/năm.

(Theo báo Thanh Tra)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục