Doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam hợp tác phát triển bền vững ĐBSCL

18 bản hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan đã được ký kết tại Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL lần thứ 3 diễn ra ngày 21.3 tại TPHCM.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Phái đoàn doanh nghiệp Hà Lan gồm 140 thành viên do bà C.van der WalZegglink - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên, Chất lượng Thực phẩm và ông Mark Harbes - Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan dẫn đầu.

Nhiều triển vọng và tiềm năng

Theo nội dung hợp tác vừa ký kết, hai bên sẽ xây dựng các hợp tác xã nuôi tôm và cá tra quy mô nhỏ ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, có khả năng huy động vốn; cải thiện chuỗi giá trị sản phẩm bằng cách tăng khả năng tiếp cận tiêm chủng, nâng cao kiến thức, kỹ năng và tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

 

18 bản thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan được ký kết tại Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL sáng 21.3 (ảnh: Ngọc Xuân)

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước sẽ hợp tác nuôi trồng thủy sản dựa vào rừng ngập mặn ở ĐBSCL; ra mắt cơ sở nuôi tôm rừng ngập mặn bền vững với khoản vay trị giá 15 triệu USD, mở rộng nuôi tôm hữu cơ từ nguồn cung tôm của 3.000 hộ nuôi trê diện tích 10.000 ha.

Hai bên cũng triển khai xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm bền vững ở châu Âu, tạo thêm cơ hội kinh doanh cho các công ty nông nghiệp Hà Lan tại Việt Nam thông qua nền tảng công nghệ thông tin sáng tạo.

Ngoài ra còn có dự án triển khai quy trình canh tác toàn diện với kỹ thuật xử lý hạt giống và bảo quản sản phẩm - một phần trong chiến lược trồng lúa tổng hợp nhằm đạt được 1 triệu ha lúa chất lượng cao, được hỗ trợ bởi khoản vay trị giá 90 triệu USD. Đặc biệt là bản ký kết điều khoản đầu tư trị giá 1 triệu euro để tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tính toàn diện và đa dạng cho nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL…

Các dự án hợp tác nhằm mang đến các cơ hội kinh doanh mới, tạo việc làm lâu dài và thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững; cân bằng năng suất nuôi trồng thủy sản với bảo tồn rừng ngập mặn, mang lại lợi ích cho hệ sinh thái và cộng đồng, qua đó cụ thể hóa mối quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nước và khí hậu giữa Việt Nam và Hà Lan.

 

Đại biểu hai nước thảo luận về các dự án hợp tác sắp tới (ảnh: Ngọc Xuân)

Ông Mark Harbes, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan cho biết, việc ký kết hợp tác giữa hai bên lần này sẽ góp phần xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững và nỗ lực xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Hà Lan và Châu Âu, cũng như đưa sản phẩm của Hà Lan đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam.

“Chúng tôi rất vui khi có mặt tại một quốc gia xinh đẹp như Việt Nam. Hai nước có điểm tương đồng là đều có vùng đồng bằng châu thổ, có dòng sông lớn chảy qua. Do đó, chúng ta cũng có chung thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngập mặn và gánh nặng đô thị hóa, công nghiệp hóa. Hà Lan có 50 năm kinh nghiệm về quản trị nước, Việt Nam cũng vậy. Nhưng những kinh nghiệm đó ngày nay chưa đủ, trong tương lai làm sao phải có hành động phù hợp”, ông Mark Harbes nói.

Cơ hội và thách thức

Dự diễn đàn, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, tại Việt Nam, ĐBSCL đóng góp khoảng 56% sản lượng lúa gạo, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 64% sản lượng trái cây, trong đó một tỷ lệ lớn được xuất khẩu. Hiện nay, khu vực này đang đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, thị trường giá cả, gây áp lực rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

Bộ NN-PTNT đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị và sống chung với biến đổi khí hậu. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ đã có những giải pháp căn cơ trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó có 3 giải pháp chính muốn kêu gọi doanh nghiệp 2 nước cùng tham gia.

 

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai nước (ảnh: Ngọc Xuân)

“Chúng tôi đang tập trung cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm giảm lao động chân tay, nâng cao năng suất. Thứ hai là tập trung số hóa để ứng dụng trong sản xuất, truy xuất được nguồn gốc đảm bảo chất lượng hàng hóa. Chúng tôi cũng đang xây dựng Đề án trình Chính phủ về xây dựng chuỗi logistics nông sản để làm sao giảm chi phí và nâng cao giá trị gia tăng. Đó là 3 nội dung trọng điểm, rất mong các doanh nghiệp cùng tham gia”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Tại phiên thảo luận, đại biểu hai nước trao đổi nhóm về 3 chủ đề “Lời giải ngọt ngào cho thử thách mặn mà”, “Đồng bằng kỹ thuật số” và “Kết nối vùng đồng bằng”. Nhiều doanh nghiệp Hà Lan mong muốn hợp tác với Việt Nam hướng tới thương mại và đầu tư xanh, thực thi quy định của EU áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu sang các nước EU, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng để có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lâm cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa mà Bộ NN-PTNT vừa triển khai nhằm tạo điều kiện cho ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng hướng đến ngành sản xuất lớn, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp ở ĐBSCL đang bị hạn chế bởi công nghệ tiếp cận, ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nhiều tác động khác, cần được sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, đặc biệt là từ phía Hà Lan để giúp cho ĐBSCL phát triển.

“18 bản ký kết hợp tác đều tập trung cho những vấn đề công nghệ, các lĩnh vực logistics, chuỗi giá trị ngành hàng. Chúng tôi rất cần sự hợp tác không chỉ trong vùng ĐBSCL mà cả với các doanh nghiệp ngoài vùng, ở Việt Nam, đặc biệt là hợp tác quốc tế, trong đó có Hà Lan là quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm về xử lý nước, xử lý đất để cải tạo lại, giúp cho ĐBSCL phát triển về nông nghiệp, cũng như logistics và giao thương quốc tế”, ông Nguyễn Phương Lâm cho biết thêm.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục