Việt Nam có nhiều cơ hội đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng trong thời gian tới. Để đón đầu, Việt Nam tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics…
Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh, ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm. Cùng với độ mở của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia 17 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như FTA giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA), sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gia tăng. Đây chính là dư địa để ngành logistics tăng trưởng hơn.
Cụ thể, theo đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các FTA sẽ mang đến một số tác động tích cực, như tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách thủ tục hành chính; gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics; tăng quy mô thị trường logistics do tăng hoạt động xuất - nhập khẩu; thu hút đầu tư từ các nước. Hay việc hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế. Do đó, việc tham gia các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA sẽ tạo thêm cơ hội phát triển cho ngành logistics Việt Nam.Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, cơ hội là rất lớn.
Ví dụ, trong cam kết của EVFTA về mở cửa dịch vụ vận tải biển, điều kiện vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam chỉ được thành lập liên doanh vốn nước ngoài đến 49%, thuyền viên quốc tịch nước ngoài không quá 1/3 định biên tàu, thuyền trưởng phải là công dân Việt Nam... Vì thế, cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác trong nước rất lớn. Hiện cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics và khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia.
Cơ hội rộng mở cho logistics Việt Nam (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung 10,6% của thế giới. Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối, các trung tâm logistics lớn quy mô khu vực và quốc tế...
Bà Vũ Thị Hương Giang, đồng Chủ tịch Ủy ban sản xuất Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam cho rằng, các hiệp định thương mại song phương, đa phương đang tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Thời gian qua, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ hệ thống vận tải, bao gồm cảng biển, sân bay, đường bộ. Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở vẫn còn nhiều bất cập cần được cải thiện. Theo Chỉ số hiệu quả logistics do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng thứ 50, sau Ấn Độ (thứ 38), Trung Quốc (thứ 20)…
Tại TP. Hồ Chí Minh "đa số doanh nghiệp logistics trên địa bàn hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó áp lực lớn là nguồn lực tài chính. Để thích ứng với thị trường, các doanh nghiệp cần bắt tay với nhau để cùng dùng chung nền tảng, qua đó tiết kiệm được chi phí", bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là hạ tầng giao thông, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, đường bộ vẫn là phương thức hoạt động vận tải chính trong điều kiện hạ tầng giao thông đang bị quá tải, xuống cấp và các phương thức vận tải khác chưa phát triển. Dù Cát Lái là cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam, đầu mối trọng điểm trong hệ thống cảng biển vùng Đông Nam Bộ nhưng suốt nhiều năm bị bủa vây bởi ùn tắc đã làm suy giảm hoạt động kinh tế toàn khu vực.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 19.000 - 20.000 lượt xe ô-tô ra vào cảng, do kết cấu giao thông chưa hợp lý nên giờ cao điểm các xe container thường bị ùn tắc ở đây vài giờ đồng hồ trước khi vào được cảng, lượng tiêu tốn nhiên liệu sẽ nhiều hơn, thời gian vận chuyển hàng hóa bị chậm lại. Bên cạnh đó, 90% lượng hàng hóa ra vào thành phố được xếp dỡ, tiếp chuyển bằng đường thủy, trong khi đó hạ tầng bến thủy nội địa còn thiếu. Điều này dẫn đến tình trạng hàng hóa phải vận chuyển loanh quanh, doanh nghiệp tốn thêm chi phí khi đến được cảng Cát Lái để xuất khẩu
Các chuyên gia cho rằng, để đón đầu các chuỗi cung ứng, TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường triển khai dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics. Bên cạnh đó là phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng Đông Nam Bộ.
Theo ông Nguyễn Công Luân, Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu thuộc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, ngành Công Thương thành phố sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp triển khai các định hướng, giải pháp phát triển logsitics như triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển logistics. Theo đó, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh tầm cỡ khu vực.
Theo ông Luân, thành phố sẽ tập trung phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng; tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
(Theo thuonghieucongluan)