Công bố thủ tục an toàn thực phẩm: Nên để doanh nghiệp tự nguyện

(TBTCO) - Thủ tục "Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP)" đang được đánh giá là một thủ tục hành chính (TTHC) phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp và cần phải tháo gỡ, bãi bỏ quy định này.

Đó là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với phóng viên TBTCO tại Hội thảo "ATTP từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP" (NĐ 38) do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VCCI, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp vừa tổ chức tại Hà Nội.

PV: NĐ 38 đang có nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ. Theo ông, những vướng mắc này nếu không được sửa đổi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các DN và môi trường kinh doanh của Việt Nam?

Ông Đậu Anh Tuấn: Thời gian qua VCCI đã nhận được rất nhiều phản ánh, kiến nghị của DN về NĐ 38, trong đó có DN nước ngoài. Theo đánh giá của các DN, NĐ 38 quy định  TTHC không minh bạch và mất nhiều thời gian, tạo nhiều chi phí cho DN. Cụ thể là thủ tục công bố phù hợp quy định ATTP là một quy định không có trong Luật ATTP.

Ngoài ra, các DN cũng đã nêu ra những khó khăn trong việc thực hiện quản lý chất lượng ATTP qua thủ tục này.

Cụ thể, theo NĐ 38, một sẩn phẩm nếu muốn được đưa ra thị trường thì phải trải qua nhiều bước như: Gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm, sau khi đạt chất lượng thì tự công bố tiêu chuẩn chất lượng rồi hộp hồ sơ gửi cho Cục ATTP (Bộ Y tế) để xin xác nhận công bố phù hợp ATTP; cuối cùng là chờ Cục ATTP cấp giấy tờ xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp ATTP.

Việc quản lý bằng thủ tục kể trên có những hạn chế vô cùng lớn. Điều này không chỉ gây mất thời gian, khó khăn cho DN tăng chi phí mà người chịu thiệt không ai khác sẽ là người tiêu dùng.

Đồng thời, thủ tục "Công bố phù hợp quy định ATTP" hoàn toàn là TTHC. Hiện nay các gánh nặng TTHC đang dồn vào thực phẩm bao gói, gánh nặng thủ tục này sẽ làm giảm sức cạnh tranh từ hàng hóa dịch vụ của Việt Nam.

Có DN cho biết một chiếc bánh socola có thể cõng13 giấy phép nhập khẩu nguyên liệu, điều này dẫn tình trạng đình đốn về thời gian và tạo ra rủi ro trong chu kỳ kinh doanh của các DN. Bên cạnh đó, các DN cũng cho biết, hiện tại các TTHC để thực hiện giấy phép này phải mất 4 - 5 tháng. Như vậy, rõ ràng TTHC này đã khiến chu kỳ kinh doanh của DN bị ảnh hưởng.

Vì vậy, DN đã đề nghị sửa đổi, thay thế thủ tục công bố phù hợp ATTP bằng hình thức chứng nhận hợp chuẩn, cho phép DN được tự công bố xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng. Nghĩa là DN khi sản xuất ra sản phẩm thực phẩm mới sẽ gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Nếu kiểm nghiệm đạt chất lượng sẽ được xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng và công bố trên website của phòng kiểm nghiệm.     

PV: Như ông vừa nói, yêu cầu DN công bố phù hợp quy định ATTP không chỉ  mang lại gánh nặng TTHC cho DN mà điều này còn trái với một số luật. Ông có thể phân tích rõ hơn việc không phù hợp của quy định này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Có thể nói, yêu cầu DN công bố phù hợp quy định ATTP là  một quy định trái luật. Điều 12 Luật An toàn thực phẩm  2010 quy định: “Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường”, không quy định về biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP”.

Đồng thời, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng chỉ quy định biện pháp “công bố hợp quy” và “công bố hợp chuẩn” không hề có biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP”.

Tuy nhiên, trong NĐ 38 lại có thêm một biện pháp là “công bố phù hợp quy định ATTP” là một điều hoàn toàn khác với 2 luật trên. Không những vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nêu rõ tại Điều 11 “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao”. Điều đó có nghĩa là việc một nội dung “mới” được đặt ra trong NĐ 38 là điều trái với nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy thủ tục “Công bố phù hợp quy định ATTP” là trái cả 3 luật: Luật ATTP, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Vì vậy, theo tôi rà soát lại căn cứ pháp lý của của các thủ tục cấp phép này cũng là ưu tiên trong thời gian tới tại NĐ 38.

PV: Như vậy, theo quan điểm cá nhân của ông thì công bố thủ tục ATTP là không cần thiết?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đúng vậy, thực tiễn cho thấy việc công bố phù hợp quy định ATTP không có tác dụng tăng cường hiệu quả quản lý. Vì vậy, đề nghị bãi bỏ quy định này và thay thế bằng hình thức khác phù hợp pháp luật hiện hành.

Theo chúng tôi, việc công bố về thủ tục ATTP nên để cho DN tự nguyện, Nhà nước ban hành một hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn cụ thể và thực hiện giám sát và trọng tâm tập trung vào hậu kiểm.

Xin cảm ơn ông!

Diệu Hoa 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục