Thực hiện chương trình giám sát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (NT2MV), các địa phương ven biển đã tích cực thực hiện các tiêu chí kiểm soát môi trường, quy trình kỹ thuật nuôi và thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Người dân xã Hải Lộc (Hậu Lộc) thu hoạch ngao
Huyện Hậu Lộc hiện có 655 ha diện tích nuôi ngao, tập trung tại các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc... sản lượng nuôi ngao hàng năm đạt khoảng 10.000 tấn, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động. Trung bình mỗi ha nuôi ngao cho lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng. Để phát triển bền vững nghề nuôi ngao, UBND huyện Hậu Lộc đã thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh ngao huyện Hậu Lộc, với mục đích kiểm tra, giám sát, quản lý nội bộ, đào tạo, tập huấn cho các hội viên thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi và thu hoạch ngao để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. UBND tỉnh cũng cho phép hội được sử dụng địa danh “Hậu Lộc” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Ngao Hậu Lộc”. Ông Phạm Đức Nhuận, Phó Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh ngao Hậu Lộc, cho biết: Thực hiện chương trình giám sát NT2MV, hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi và cơ sở thu mua, sơ chế về mục đích, ý nghĩa, quy định kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhất là việc đăng ký thu hoạch với các tổ kiểm soát thu hoạch ở các xã có vùng nuôi ngao. Qua đó, các tổ kiểm soát thu hoạch thực hiện đăng ký thu hoạch và cấp phiếu kiểm soát thu hoạch cho 100% sản lượng thu hoạch theo quy định. Để tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp, hội viên thực hiện các quy định theo chương trình giám sát NT2MV để đưa vùng sản xuất và các hoạt động kinh doanh sản phẩm ngao nuôi phát triển bền vững, ổn định, các tiêu chí vùng kiểm soát thu hoạch, an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước EU.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.250 ha diện tích ngao nuôi, với sản lượng hàng năm khoảng 15.000 tấn. Tập trung tại các huyện Hậu Lộc 655 ha, Nga Sơn 440 ha, Quảng Xương 65 ha, Hoằng Hóa 20 ha và thị xã Nghi Sơn 70 ha, diện tích nuôi chủ yếu theo quy mô nông hộ. Các địa phương đã chủ động nhân giống và đưa vào sản xuất giống ngao Bến Tre có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được 50% nhu cầu giống ngao. Nhiều mô hình nuôi ngao thâm canh tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương... cho hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện Công văn số 346/QLCL-CL1 ngày 18-3-2020 của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc triển khai Chương trình giám sát NT2MV; trong đó, vùng nuôi NT2MV các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn đã được bổ sung vào Danh sách vùng thu hoạch NT2MV của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường các nước EU. Để các hộ nuôi thu gom, nuôi lưu, sơ chế, chế biến NT2MV hiểu mục đích, ý nghĩa, các quy định về kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm... Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và Thủy sản đã tổ chức 5 lớp tập huấn về chương trình kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thu hoạch NT2MV cho gần 400 học viên là thành viên tổ kiểm soát, các hộ nuôi, thu gom, nuôi lưu, sơ chế, chế biến NT2MV trên địa bàn huyện Hậu Lộc, Nga Sơn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các tổ kiểm soát thu hoạch NT2MV trên vùng thu hoạch Hậu Lộc - Nga Sơn thực hiện nghiêm quy trình giám sát an toàn thực phẩm trong thu hoạch NT2MV. Trong năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và Thủy sản đã thực hiện 52 đợt giám sát, với tổng số 52 mẫu ngao và 104 mẫu nước trên vùng thu hoạch NT2MV tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn. Kết quả phân tích các chỉ tiêu, như: Độc tố sinh học biển, kim loại nặng, thuốc trừ sâu... đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định. Thực hiện cấp 180 giấy chứng nhận xuất xứ cho 4.706,34 tấn ngao thương phẩm theo quy định. Chương trình giám sát thu hoạch NT2MV đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tổ chức thực hiện của doanh nghiệp, người nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm NT2MV. Từng bước nâng cao về trình độ và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ các thói quen lạc hậu, hình thành, kết nối các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thủy sản an toàn.
(Theo Báo Thanh Hóa)