Đó là mục tiêu hướng đến của Hội thảo "Khoa học công nghệ sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam" diễn ra ngày 18-7 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang.
Hội thảo do Trung tâm ICAFIS phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, các viện nghiên cứu, các trường đại học tổ chức. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam".
Tại hội nghị, các giải pháp công nghệ trong sản xuất nghêu giống được các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất nghêu xuất khẩu đặt ra như: Thoái hóa giống trong sản xuất nghêu nhân tạo và các công nghệ áp dụng sản xuất nghêu thương phẩm thành công ở một số nước; ứng dụng công nghệ nuôi nghêu của Đài Loan; bảo tồn và phát triển nguồn lợi nghêu bố mẹ và nghêu giống tự nhiên; tiềm năng thị trường sản phẩm nghêu Việt; nghiên cứu hiện tượng nghêu chết hàng loạt và các giải pháp hạn chế thiệt hại; mô hình nghêu thương phẩm và nghêu giống Hợp tác xã ĐồngTiến, Bạc Liêu…
Hội nghị "Khoa học công nghệ sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam” cũng đã xác định các giải pháp sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam. Trong đó, Tiền Giang đã và đang phối hợp Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, Tổ chức OXFAM tại Việt Nam xây dựng chuỗi nuôi nghêu theo tiêu chuẩn MSC và ASC.
(Theo báo Ấp Bắc)