Không ngoa khi gọi bà Lê Thị Thanh Lâm là ngọn hải đăng trên thị trường đông lạnh bởi SG Food, công ty mà bà là Phó Tổng GĐ, là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Và bà người có vai trò quan trọng trong những bước đi của SG Food.
Nụ cười hiền, sự đằm thắm, năng lượng của người phụ nữ đã kinh qua mấy chục năm trên thương trường đã cuốn tôi theo bà trong một sự kiện mới đây tại TP HCM. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với người phụ nữ này về SG Food và vai trò của nữ lãnh đạo khi 8/3 cận kề.
- Xin chào chị, ở Việt Nam, rất nhiều nữ lãnh đạo giỏi. Theo chị, đâu là lợi thế của các nữ lãnh đạo?
Trong thời đại ngày nay, tuy máy móc tác động được rất nhiều nhưng thực ra là con người vẫn là yếu tố quyết định quan trọng nhất. Cho nên để có những sản phẩm tốt, nhân sự phải vui vẻ, hạnh phúc và làm việc được với mình.
Ở SG Food, 80% sản phẩm (ngành thủy sản) của chúng tôi được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản – một thị trường rất khó tính. Những gì làm được bằng máy móc, thiết bị thì người Nhật đã không sang Việt Nam. Họ chọn Việt Nam là để gia công bằng đôi bàn tay của người công nhân.
Thế nên tại sao Ấn Độ hay các quốc gia phát triển thủy sản trước chúng ta nhưng lại không được chọn, mà lại chọn Việt Nam cho các sản phẩm như sushi. Chính nhờ sự tinh tế và khéo léo của phụ nữ Việt Nam. Nhưng điều gì quyết định sự khéo léo đó? Đó là chính là sự hạnh phúc, vui vẻ. Nói như vậy để thấy rằng, nếu như người ta thích, người ta yêu, người ta vui vẻ thì họ sẽ làm tốt và chất lượng sản phẩm sẽ tốt.
Cho nên, nếu phụ nữ làm lãnh đạo thì rất tốt. Nhất là trong ngành thực phẩm. Tại sao Saigon Food trong thời gian vừa qua cung cấp thành công ở thị trường nội địa? Đơn giản vì tôi là người ra sản phẩm đó, và tôi biết phụ nữ cần gì.
Tuy nhiên, còn lợi thế nữa, đó là phụ nữ thường cẩn thận. Tính cách chung của phụ nữ thường là cẩn thận, kỹ lưỡng, ít phiêu lưu mạo hiểm. Tôi từng nghe đâu đó nói rằng, khi nền kinh tế khi khó khăn thì tỷ lệ doanh nghiệp nữ bị phá sản có thể ít hơn đàn ông. Làm chậm nhưng chắc. Vậy nên, trong biến động kinh tế lớn thì các công ty có lãnh đạo nữ rất vững vàng.
- SG Food là một cái tên đáng chú ý trong ngành thủy sản Việt Nam. Điều gì làm chị tự hào nhất?
Tôi tự hào là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc sáng tạo ra sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng Việt. Trước kia, sản phẩm đông lạnh của Việt Nam chỉ có chả giò, cá viên chiên. Thời điểm năm 2003, chủng loại sản phẩm trong tủ đông ở siêu thị còn rất ít, chỉ vài mặt hàng. SG Food là doanh nghiệp đi đầu, cho ra rất nhiều sản phẩm về đông lạnh. Tôi cũng là người đưa con tôm đông lạnh vào siêu thị mà lúc đó, ai cũng nói mình điên.
Tại vì tôm ngoài chợ tươi sao không mua mà phải mua hàng đông lạnh. Nhưng bây giờ vào siêu thị, các bạn đã thấy rồi đó, tôm đông lạnh đắt hàng như thế nào. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác như lẩu đông lạnh, cháo tươi, nước dùng cô đặc... SG Food là người tiên phong trong các sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng, đưa ra giải pháp trong việc chăm sóc bữa ăn cho người tiêu dùng. Tôi đang làm nhiệm vụ giải phóng phụ nữ ra khỏi gian bếp.
- Là phụ nữ, chị thấy áp lực gì không khi công việc quản lý rất bận rộn và còn cả gia đình nữa?
Với công việc, tôi không thấy áp lực gì, vì tôi làm bằng đam mê. Ở tuổi của tôi thì công việc gia đình cũng đã ổn định, nên tôi có đủ thời gian để đầu tư cho công việc. Thực sự, tôi không chỉ dành thời gian cho việc điều hành doanh nghiệp không đâu, mà còn tham gia rất nhiều các hoạt động cộng đồng, như hôm nay tôi tham gia sự kiện khởi nghiệp này vậy. Tôi ở trong ban chấp của hội đồng tư vấn khởi nghiệp phía nam, tôi cũng có giảng dạy ở một số trường. Với tôi, giờ đây đi làm như đi chơi. Không áp lực gì hết.
Nếu biết quản lý thời gian tốt, biết cân đối hay biết quản trị bản thân tốt, thì mình sẽ quản trị gia đình mình tốt, và khi gia đình quản trị tốt thì sẽ quản trị công ty tốt. Vì thế trước tiên phải quản trị bản thân tốt đã. Tề gia trị quốc bình thiên hạ bắt đầu từ điều đó.
Từ thứ Hai đến thứ Sáu, tôi là người của công ty. Ngày thứ Bảy là ngày của bản thân, tôi sẽ làm những điều tôi thích. Ngày chủ nhật là ngày cho gia đình.
Nhiều bạn trong công ty hỏi tôi: Sao chị làm được nhiều việc thế, em chạy theo chị không kịp. Tôi nói không, chủ yếu là cách sắp xếp vì tôi cũng chỉ có 24 tiếng trong ngày như mọi người.
- Ai là người ảnh hưởng đến chị nhiều nhất?
Tôi có một người ảnh hưởng cao, một người ảnh hưởng bằng, và một người ảnh hưởng nhỏ.
Ba tôi là người ảnh hưởng nhiều nhất. Ba tôi năm nay 90 tuổi và sinh hoạt rất giờ giấc. Ông mắc tiểu đường đã mười mấy năm nhưng nhờ kiên quyết không ăn đường mà sức khỏe ba tôi vẫn tốt.
Thứ hai là chị Dung (Cao Ngọc Dung, Tổng giám đốc của PNJ - pv). Chị Dung là người đưa tôi về SG Food để tôi thực hiện tất cả đam mê của mình. Tôi từng làm trong công ty nhà nước mấy năm và sau đó chị Dung giúp tôi về làm cho SG Food nội địa. Cơ duyên này đã giúp tôi đã thực hiện những ý tưởng mà trước đó tôi không làm được.
Người thứ ba là con gái tôi. Con gái tôi rất giỏi. Ở tuổi của nó mà nó làm được nhiều thứ quá nên tôi nghĩ mình phải xứng đáng để con cảm thấy là tấm gương cho con.
- Mục tiêu trong năm 2017 của chị là gì?
Năm 2016, tôi bắt đầu trở lại xây dựng nội lực cho công ty và phụ trách phòng hành chính nhân sự. Mục tiêu công việc của tôi là xây dựng phòng Hành chính nhân sự trở thành một phòng trung tâm của công ty, xứng tầm với quy mô của công ty là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho công ty.
Mục tiêu cá nhân hơi bí mật, lẽ ra không nên nói với truyền thông đâu (cười), là tôi sẽ hoàn thành một quyển sách đầu tay về quản trị công ty.
Động lực để tôi xuất bản sách cũng là từ ba tôi và con gái tôi. Ba tôi từng xuất bản 2 cuốn hồi ký. Con gái tôi khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh thì báo cáo của cô bé được phát hành sách. Ngoài ra, khi tham gia chương trình khởi nghiệp và nhiều người hỏi tôi: Chị có viết thông tin đó ở đâu không và chị có nghĩ sẽ gom lại không. Và tôi nghĩ sẽ gom lại để nhiều người được đọc hơn.
Xin cảm ơn bà!
SG Food và những con số
Thành lập vào ngày 18/7/2003 với tên gọi Công ty cổ phần Hải sản SG (SG FISCO) với 11 nhân viên.
Vốn điều lệ: 4,5 triệu USD ( tương đương 100 tỷ đồng).
Năm 2016: sản lượng 9.100 tấn, doanh số xuất khẩu và nội địa khoảng 22 triệu USD.
Tỷ lệ doanh thu xuất khẩu/nội địa hiện là 70/30, nhưng mục tiêu đến năm 2020 là 50/50.
Nhân sự: 1.500 công nhân trực tiếp sản xuất, làm việc tại 3 nhà xưởng tổng diện tích trên gần 13.500 m2.
Tháng 4/2017 sẽ khánh thành thêm phân xưởng thứ tư với tổng diện tích 10.000 m2. Công suất dự kiến 5.000 tấn thành phẩm/năm và hệ thống kho lạnh 3.000 tấn.
cafebiz