Doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại.

Hiện, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó theo các chuyên gia kinh tế, cần có những chính sách hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp này tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Khi có hiệu lực, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có tác động rõ rệt đối với nền kinh tế Việt Nam. Dự báo đến năm 2025, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 11%, xuất khẩu có thể mở rộng 28%. Kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản có thể tăng mạnh trong vòng 10 năm tới.

Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sau khi có hiệu lực sẽ giúp loại bỏ hơn 99% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường 500 triệu dân của EU và ngược lại, trong thời hạn từ 7-10 năm. Hiệp định này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam vào EU tăng thêm 4-6% so với thời điểm trước khi kết kết. Ngoài việc tăng khả năng xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có cơ hội kết nối với các nhà đầu tư từ các nước này vào Việt Nam.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia sân chơi toàn cầu. Các chi phí về thuế, về thủ tục hải quan cao khiến doanh nghiệp trong nước bị hạn chế cạnh tranh khi xuất khẩu ra các nước. Hiện chỉ có 21% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khi ở Thái Lan tỷ lệ là trên 30% và ở Malaysia là 46%. Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của khối doanh nghiệp FDI thông qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt thời gian qua chủ yếu làm việc với nhau trên khía cạnh bán hàng trong khi hỗ trợ nhau tham gia phát triển sản phẩm thì lại không có.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển. Để làm được điều này, cần tiếp tục cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, song cũng phải tương thích với những cam kết trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để phát triển, cần có những chính sách đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về phía doanh nghiệp, để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại chất lượng cao, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung khai thác thế mạnh của mình, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, chú trọng chất lượng và sự khác biệt.

Bà Phạm Chi Lan phân tích: “Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng được các cơ hội thì trước hết phải tập trung nâng cấp năng lực cốt lõi để các nhà đầu tư có thể chọn lựa làm đối tác. Nếu muốn xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài hoặc cung cấp cho những doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng xuât khẩu ra nước ngoài thì cũng phải có năng lực rất mạnh trong những lĩnh vực nhất định, phải rất cạnh tranh trong lĩnh vực đó mới thành công được. Đồng thời, phải liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp lớn hơn để tạo được sức mạnh lớn hơn”.

(Theo VOV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • Ảnh bìa báo cáo hải sản