(vasep.com.vn) Thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, ngày 01/9/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 7433/BNN-TCTS gửi UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế về việc hướng dẫn bổ sung kê khai thiệt, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Theo đó, ngoài những đối tượng được hướng dẫn tại văn bản số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn bổ sung một số đối tượng thuộc các lĩnh vực như: khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến thủy sản và cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản để tiến hành xác định, kê khai, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra.
Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, bổ sung thêm đối tượng chủ tàu cá và người lao động trên tàu cá có công suất máy chính từ 90CV trở lên, có đăng ký và trực tiếp khai thác hải sản tại vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế từ ngày 6/4/2016 đến 30-9-2016 bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đã bổ sung các đối tượng để tiến hành kê khai xác định thiệt hại gồm: Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản đã nuôi trồng thủy sản trong năm 2015 hoặc mới đầu tư xây dựng nhưng không thả nuôi trong thời gian từ ngày 6/4 đến 30/9/2016 bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Người lao động làm thuê thường xuyên, có thu nhập chính từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản nêu trên.
Đối tượng được bổ sung kê khai thiệt hại trong lĩnh vực chế biến thủy sản gồm: Chủ cơ sở chế biến nước mắm, mắm hải sản, tẩm ướp hải sản… có địa điểm sản xuất, kinh doanh hoặc có hộ khẩu thường trú tại các xã/phường/thị trấn ven biển, cửa sông, đầm phá vùng bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển. Người lao động làm thuê thường xuyên, có thu nhập chính từ cơ sở nêu trên.
Về cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản bổ sung thêm đối tượng là chủ cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản có kho lạnh, kho cấp đông tại các xã/phường/thị trấn ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, còn lưu kho các sản phẩm thủy sản được thu mua trước ngày 30/8/2016. Người làm thuê thường xuyên có thu nhập chính từ cơ sở nêu trên.
Ngoài ra văn bản còn giải thích từ ngữ và trả lời một số câu hỏi liên quan đến văn bản số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 của Bộ NN&PTNT.
Trước đó, ngày 23/8/2016, VASEP có Công văn số 131/2016/CV-VASEP gửi Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Công Thương... hỗ trợ doanh nghiệp chế biến XK thủy sản & ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ có sự can thiệp đối với tập đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm đối với DN và người dân ở 4 tỉnh miền Trung. Kiến nghị Chính phủ đưa ra những chính sách hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường gây ra. Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành có giải pháp, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp: tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để DN duy trì sản xuất (như thủ tục nhập khẩu, hỗ trợ cước phí tại cảng nhập khẩu...), tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và mặt hàng mới. Chính phủ và các Bộ ngành đẩy mạnh công tác truyền thông để khách hàng quốc tế không bị quan ngại và vẫn tin vào hình ảnh thủy sản của Việt Nam đảm bảo chất lượng.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (Shatico) cho biết thiệt hại do sự cố môi trường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Theo đó, có những thiệt hại vô hình như gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến đời sống việc làm, sức khỏe của bản thân người lao động; Giảm sự hấp dẫn của sản phẩm, giảm sức mua; Ngư dân không dám đi đánh bắt, mất tinh thần; Thị trường nội địa đóng băng, không tiêu thụ được sản phẩm, toàn bộ hàng nội địa phải bảo quản lâu ngày ở kho, chịu thêm chi phí tiền điện; Giảm sản lượng thu mua đến 60% so với năm 2015; nhà máy phải nghỉ sản xuất trong 2 tháng do không có nguyên liệu.