(vasep.com.vn) Ngày 20/5/2016, VASEP đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại Việt Nam” tại Trường Đại học Cần Thơ, Tp.Cần Thơ. Tham dự và chỉ đạo hội thảo có Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám và Đại sứ Đan Mạch tại VN, bà Charlotte Laursen.
Dự án "Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại Việt Nam" được tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và giao Trường Đại học Cần Thơ, Công ty TNHH Thuận Hưng (tại Đại Thành, Phụng Hiệp, Hậu Giang), Trung tâm chuyển giao Công nghệ Nuôi trồng thủy sản Việt Nam - Đan Mạch (VIDATEC) trực tiếp thực hiện.
Thiết bị thử nghiệm
Mục tiêu nhằm trình diễn các khả năng thực hiện nuôi cá tra thương phẩm bền vững; cải thiện môi trường nước trong ao nuôi bằng cách lắp đặt công nghệ nuôi tiên tiến cùng với khả năng truy xuất nguồn gốc từ vùng nuôi đến chế biến. Qua 2 năm triển khai, kết quả thử nghiệm cho thấy, trong cùng mật độ nuôi, sản lượng trong ao có sục khí tăng 18,7% và 29,3% so với ao nuôi truyền thống (ao đối chứng); sử dụng sục khí và giảm thay nước vẫn đảm bảo chất lượng phile (màu sắc) và giảm được chi phí thuốc, hóa chất; chất lượng của cá được cải thiện và giảm gánh nặng về ô nhiễm môi trường…
Trong đó, dự án xây dựng và vận hành trang trại nuôi cá tra thương phẩm trình diễn công nghệ bền vững và tiên tiến ở Việt Nam, được thử nghiệm tại 3 ao nuôi của trang trại cá tra Phú Thuận (của THUFICO tại Đại Thành, Phụng Hiệp, Hậu Giang). Kết quả dự án đã giúp giảm được 10% lượng thức ăn (thức ăn chiếm tới 85% chi phí sản xuất); mật độ nuôi cá lớn hơn (trung bình từ 100-120 con/m2) so với các ao nuôi thông thường, tốc độ tăng trưởng (%/ngày) và tỷ lệ sống của cá trong các ao nuôi có sục khí cao hơn so với ao nuôi truyền thống…
Dưới đây là kết quả thử nghiệm tại trại nuôi Phú Thuận:
Oxy hòa tan (DO)
• Hàm lượng oxy hòa tan được cải thiện trong các ao thử nghiệm so với ao đối chứng.
• DO giảm thấp hơn 2 mg/L từ tháng thứ 5 khi cá đạt cỡ >250g.
Khí CO2
- Tăng cao trong ao không có sục khí (Ao 5) khi cá đạt cỡ >350g.
- CO2 trong Ao 1 và Ao 3 giảm khi vận hành bể lọc sinh học.
Các thông số khác
- TAN, NO2, NO3, biến động lớn và phụ thuộc vào qui trình thay nước.
- TSS trong các ao có sục khí cao hơn so với đối chứng, có ảnh hưởng đến chất lượng thịt cá.
Tốc độ tăng trưởng (%/ngày) và tỉ lệ sống của cá trong các ao nuôi có sục khí thì cao hơn so với ao nuôi truyền thống
- Trong cùng mật độ, sản lượng trong ao có sục khí tăng 18,7% và 29,3% so với ao đối chứng.
- Do nguồn nước hạn chế, gia tăng mật độ (120 con/m2) có làm tăng sản lượng nhưng FCR thì tương đương ao đối chứng.
- Với cùng mật độ, điện sử dụng cho sục khí và thay nước trong ao 3 tương đương ao đối chứng: giảm lượng nước sản xuất.
- Tăng mật độ cũng làm tăng chênh lệch cỡ cá khi thu hoạch.
- Sử dụng sục khí và giảm thay nước vẫn đảm bảo chất lượng phi-lê (màu sắc) và giảm được chi phí thuốc và hóa chất.
Một nghiên cứu tiền khả thi đã được tiến hành trong năm 2011 bởi “Trung tâm chuyển giao Công nghệ Nuôi trồng thủy sản Việt Nam-Đan Mạch” – VIDATEC”. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng người nuôi cá tra có thể tăng lợi nhuận song song với việc giảm ô nhiễm môi trường và tiềm năng mở rộng qui mô nuôi cá tra ở Việt Nam.
Được sự tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã triển khai dự án “Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại Việt Nam” - do VIDATEC tư vấn kỹ thuật, công nghệ và được thực hiện bởi Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ cùng sự hỗ trợ trực tiếp của Công ty TNHH Thuận Hưng (THUFICO) trong suốt quá trình 2 năm qua.
Mục tiêu chung của Dự án là: (1) Trình diễn các khả năng thực hiện nuôi trồng cá Tra thương phẩm bền vững và thân thiện môi trường; (2) Cải thiện môi trường nước trong ao nuôi cá tra bằng cách lắp đặt những công nghệ nuôi trồng tiên tiến - nhằm mục đích chứng minh việc giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), (3) tăng sản lượng nuôi trên một đơn vị diện tích nuôi, quản lý ao nuôi tốt hơn (giảm tỷ lệ hao hụt, giảm sử dụng thuốc và hóa chất), chất lượng của cá tốt hơn và giảm gánh nặng về ô nhiễm môi trường. Được tài trợ bởi Chính phủ Đan Mạch với nguồn kinh phí 850.000 USD thông qua Thỏa thuận được ký kết giữa Bộ NN và PTNT và Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội về việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ “Chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2007-2013”, dự án Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại Việt Nam được triển khai.
|